Khó xử lý hình sự hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
Trong nhiều năm qua, tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước, với mức độ ngày càng trầm trọng, quy mô thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đầu tháng 11/2019, TAND quận Thủ Đức, TP. HCM đã đưa ra xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng (37 tuổi, trú tại quận Thủ Đức) về hành vi “Vi phạm quy định an toàn thực phẩm”. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Bùi Văn Sáng mức án 18 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Bùi Văn Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản ở Thủ Đức, TP. HCM (cơ sở chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Theo lời khai của bị cáo: Để giữ sản phẩm sạch đẹp, không hư, bị cáo đã mua hóa chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc tại chợ Tam Bình về thuê người ngâm rửa cà rốt, củ cải với số lượng từ 7 đến 8 tấn mỗi ngày, sau đó đưa ra chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tiêu thụ cho khách hàng từ tháng 11/2017 (đây là một trong những địa điểm trung chuyển hàng nông sản thực phẩm lớn tại TP. HCM). Với mỗi thìa cà phê hóa chất pha loãng với nước sẽ ngâm rửa được 50kg củ quả. Tại thời điểm bị bắt quả tang, cơ quan công an thu giữ 1,6 tấn củ cải, 1,5 tấn cà rốt đã ngâm rửa hóa chất, đồng thời phát hiện 250gram bột màu trắng.
Qua giám định của cơ quan chức năng, bột màu trắng là chất Sodium dithionete (Na2S2O4) và Sodium sulfate (Na2SO4) là 2 loại hóa chất cực độc bị cấm trong sản xuất, bảo quản thực phẩm. Các loại hóa chất tẩy trắng này có thể làm tổn thương đến hệ tiêu hóa, tổn thương mao mạch, dạ dày; người thường xuyên dùng thực phẩm bị ngâm tẩy loại hóa chất này sẽ bị tích tụ trong cơ thể, gây ung thư. Tại Tòa, bị cáo đã thản nhiên nói “không biết” việc ngâm củ cải, cà rốt vào hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà chỉ nghĩ là làm cho chúng “sạch đẹp, không bị hư”…
Để đưa ra xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng về hành vi “Vi phạm quy định an toàn thực phẩm” là cả một quá trình gian nan trong việc chứng minh hành vi phạm tội. Ngày 13/4/2018, việc ngâm củ cải, cà rốt bằng hóa chất Na2S204, Na2S04 của Sáng bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát giác và sau 18 tháng, vụ án được đưa ra xét xử. Đây là trường hợp đầu tiên bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây mất an toàn về ATVSTP gây nguy hiểm cho xã hội và sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã tích cực vào cuộc đưa vụ án ra xét xử đúng người, đúng tội với đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, bị cáo không thể chối cãi. Bản án chính đáng và có giá trị răn đe rất lớn, ngăn chặn những người đã và đang thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Trong nhiều năm qua, tình hình vi phạm VSATTP diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước, với mức độ ngày càng trầm trọng, quy mô thủ đoạn ngày càng tinh vi. VSATTP hiểu theo nghĩa hẹp là những quy định của các cơ quan chuyên môn dùng để mô tả việc xử lý, chế biến, bảo quản, lưu trữ thực phẩm và cả những thói quen sử dụng, cách thao tác trong chế biến không bảo đảm vệ sinh, nhằm phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra, để tránh các nguy cơ ảnh hưởng đế sức khỏe, tính mạng của con người. Hiểu theo nghĩa rộng, VSATTP là toàn bộ những vấn đề cần xử lý liên quan đến thực phẩm, nhằm bảo đảm sức khỏe cho con người.
Thực phẩm không thể thiếu trong đời sống, ai cũng phải sử dụng hàng ngày và nó lại có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tổn hại sức khỏe, đồng thời nó còn có thể truyền bệnh từ người sang người. Bởi lẽ, thực phẩm là một môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn độc hại sinh sôi, nảy nở có thể gây ra ngộ độc cho bất cứ ai. Ở các nước phát triển, họ có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt cho việc sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Đối với các nước đang phát triển, kém phát triển thì tiêu chuẩn này rất thấp và việc quản lý VSATTP quá lỏng lẻo, yếu kém, cho nên con người sống ở các khu vực này, luôn phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí tử vong hàng ngày. Đây cũng là một hiểm họa tiềm ẩn cho cả nhân loại, buộc các quốc gia phải vào cuộc phòng chống, ngăn chặn.
Ở Việt Nam, các cơ quan hữu quan, trong đó Bộ Y tế có vai trò chủ chốt cùng với các bộ, ngành khác như: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp, các tổ chức xã hội… đã vào cuộc rất tích cực. Rất nhiều cơ sở ở các địa phương được thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện ra các vụ vi phạm về VSATTP nghiêm trọng như: ngâm tẩm thực phẩm bằng hóa chất độc hại để bảo quản; sử dụng chất cấm (tạo nạc, tăng trọng) trong chăn nuôi; “phù phép” làm giả các loại thực phẩm từ “thịt lợn” thành “thịt bò” và thành các loại thịt “đặc sản” như nai, nhím, đà điểu để bán với giá tiền cao hơn; nhuộm măng tươi, dưa cải muối, cà muối bằng chất vàng ô (Auramine O) gây nguy cơ ung thư; các loại bánh kẹo, đồ ăn nhanh không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí sử dụng cả các loại thực phẩm ôi, thiu, dịch bệnh hay đã quá hạn sử dụng để chế biến rồi cung cấp cho người tiêu dùng. Mặc dù đã được phát hiện và xử lý nhiều, nhưng mới chỉ là “xử lý hành chính” với các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền, khắc phục hậu quả, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm, đình chỉ lưu hành quảng cáo, đình chỉ hoạt động… Chính vì vậy mà mức độ răn đe, ngăn chặn hiệu quả còn rất thấp.
Cho đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối đầy đủ, chặt chẽ, kể cả việc xử lý hình sự về VSATTP. Tuy nhiên, muốn áp dụng pháp luật để xử lý loại tội phạm này không dễ. Ngay cả xử phạt hành chính mà lập biên bản xử lý không đúng cũng bị kiện lại. Bộ luật Hình sự hiện hành có nêu rõ điều kiện để xử lý vi phạm, nhưng thực tế khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì hầu hết lại chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, không chứng minh được thiệt hại của nạn nhân… Nhiều vụ việc làm giả mức độ lớn về thực phẩm chức năng, sử dụng phụ gia, hóa chất được phát hiện nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Đối với các cơ quan thanh tra của các bộ, ngành khi đến kiểm tra, người vi phạm đã có đủ các biện pháp chuẩn bị đề phòng, nhanh chóng tẩy xóa dấu vết, tang vật để tránh bị “bắt quả tang”.
Các cơ sở chế biến, kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, thường ở những nơi khó tiếp cận, việc quản lý rất khó khăn. Mặt khác, thực phẩm đến người tiêu dùng phải qua một quá trình từ sản xuất, môi trường, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến… Nếu chúng ta không giải quyết tốt ngay khâu đầu tiên từ sản xuất, môi trường, thì rất khó để quản lý được vấn đề VSATTP. Một thực tế nữa là hiện nay, thực phẩm cùng với các loại hóa chất đang bị nhập lậu qua biên giới vào nội địa Việt Nam mà chúng ta chưa kiểm soát được, cả về số lượng và chất lượng. Thực phẩm không an toàn rất khó phát hiện bằng mắt thường, các đối tượng vi phạm lại có nhiều thủ đoạn tinh vi khiến người tiêu dùng dễ bị mắc lừa. Mặt khác, do nhu cầu, thói quen, mức thu nhập, sự hiểu biết hạn chế… của người tiêu dùng cũng đã tạo cơ hội cho loại tội phạm này hoạt động.
VSATTP không chỉ bảo đảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà còn bảo đảm cho sự phát triển nòi giống của dân tộc. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, cuộc sống của mỗi người và gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí an sinh xã hội. VSATTP đang là một vấn đề cấp bách được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm. Bảo đảm được VSATTP đồng nghĩa với việc bảo đảm sức khỏe của cộng đồng. Chính vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm tích cực thường xuyên hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những đối tượng coi thường pháp luật, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Kể cả việc kịp thời xử lý nghiêm khắc những hành vi “vi phạm quy định an toàn thực phẩm” đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Việc đưa ra xét xử công khai một vụ án, áp dụng điều luật rất quan trọng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng được xã hội mong đợi, đồng tình ủng hộ, nó bảo đảm được tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Vụ án gây sự chú ý của dư luận, bởi lẽ nó là tín hiệu tích cực để chúng ta kiểm soát tốt hơn vấn đề VSATTP đang là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ vì lợi nhuận mà bất chấp cả đạo đức, pháp luật. Cần phải nghiêm khắc trừng trị đối với những kẻ đang tâm đưa cả những chất độc hại vào thực phẩm, đánh đổi cả sức khỏe, tính mạng đồng loại để có thu nhập bất chính.
LS Trần Văn Chương
Nguồn tham khảo: https://lsvn.vn/can-xu-ly-nghiem-nhung-hanh-vi-vi-pham-quy-dinh-ve-ve-sinh-an-toan-thuc-pham.html