Bù đắp về tinh thần là gì?
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Bù đắp về tinh thần có từ khi nào?
Bộ luật dân sự năm 1995 ra đời đã quy định về khoản tiền “bù đắp về tinh thần” nhưng chỉ quy định: Tuỳ từng trường hợp, Toà án quyết định buộc người xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, còn khoản tiền đó là bao nhiêu thì Bộ luật không quy định. Do đó, thực tiễn xét xử các Toà án địa phương đã áp dụng không thống nhất. Để khắc phục tình trạng này, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; trong đó có khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
Nghị quyết hướng dẫn Bù đắp về tinh thần?
Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP quy định:
– Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm,…
– Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì người được nhận là những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân. Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
– Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm thì người bị thiệt hại đương nhiên được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân,… Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
– Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm. Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Nội dung hướng dẫn trên đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 thay thế Bộ luật Dân sự năm 1995.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người xâm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Như vậy, trải qua một thời gian dài với nhiều quan điểm khác nhau, khoản tiền “bù đắp tổn thất về tinh thần” đã được Quốc hội chính thức quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 một cách chi tiết, bảo đảm việc áp dụng khi xét xử các vụ án dân sự và vụ án hình sự có phần bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Sau khi Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực (01-01-2006), ngày 08-7-2006 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 thì:
– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại. Trong mọi trường hợp, khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
– Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại. Trường hợp không có những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại. Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại…Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm. Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình….), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”.