Các loại cây có chứa chất ma tuý bao gồm cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa và một số các loại cây khác. Đây được coi là các loại ma tuý có trong tự nhiên và là một trong những loại chất gây nghiện bị pháp luật cấm sử dụng trong đời sống. Việc trồng các loại cây có chứa chất ma tuý tuy có thể đem lại lợi nhuận cao nhưng sự rủi ro đi kèm cũng không hề nhỏ. Vậy, việc trồng các loại cây có chứa chất ma tuý sẽ bị xử lý với tội danh gì? Có phải cứ trồng cây thuốc phiện là sẽ bị bắt hay không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây
Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý là gì?
Tội trồng cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý là hành vi gieo trồng, chăm bón, thu hoạch bất hợp pháp các bộ phận của cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý.
Quy định pháp luật về hình phạt đối với tội trồng cây chứa chất ma túy
Điều 247 của BLHS 2015 quy định như sau:
“1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
- b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
- a) Có tổ chức;
- b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;
- c) Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Khoản 1, Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
“1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.”
Khoản 6, Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định về cây chứa chất ma túy như sau:
“6. Cây có chứa chất ma túy là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.”
Khoản 3, Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:
“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.”
Nếu người có hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý nhưng không đủ liều lượng hoặc không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 247 thì sẽ bị xử phạt về vi phạm hành chính.
Ngoài ra, nếu người nào biết người khác có hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý đã được áp dụng đầy đủ các biện pháp “giáo dục 02 lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống”, “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi gieo trồng, chăm bón, thu hoạch cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý thì sẽ bị khởi tố với vai trò là đồng phạm.
Hành vi khách quan của tội này được thể hiện thông qua các hành vi như chăm sóc, thu hoạch, gieo trồng các bộ phận trên cây. Tuy nhiên, hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý sau khi đã được cơ quan Nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương vận động, tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống như được hỗ trợ về tiền vốn, được hướng dẫn cách trồng trọt các loại cây công nghiệp, được hướng dẫn cách chăn nuôi gia súc gia cầm để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma tuý.
Ví dụ: Anh A là dân tộc ít người ở vùng cao. Do cuộc sống khó khăn và lạc hậu nên nhiều năm nay nguồn thu nhập của gia đình anh chủ yếu là dựa vào số tiền bán cây hoa anh túc. Trong một lần đi kiểm tra, cán bộ tỉnh đã phát hiện gia đình anh A trồng một số lượng lớn số cây anh túc. Do anh A chưa hiểu biết về quy định của pháp luật, cán bộ tỉnh H đã nhắc nhở anh A về hành vi trồng cây anh túc với số lượng lớn như vậy là vi phạm pháp luật. Anh A được địa phương hỗ trợ một khoản tiền để trồng các loại cây công nghiệp khác và phá bỏ số cây anh túc đang trồng. Vì vậy, tuy rằng anh A trồng cây có chứa chất ma tuý nhưng sẽ không bị xử lý hình sự do hành vi của anh A là lần đầu được nhắc nhở và giáo dục.
-Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính (có thể là phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo) về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Ví dụ: Gia đình chị C đã bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính về vấn đề trồng cây có chứa chất ma tuý nhưng do lợi nhuận kinh tế từ cây cần sa khá cao nên chị C vẫn lén lút tiếp tục trồng cây cần sa trong khu vườn kín. Cơ quan chức năng đã phát hiện ra trong nhà chị C vẫn đang lén lút trồng loại cây này nên đã khởi tố chị với tội danh trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý.
-Người thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý với số lượng từ 500 cây trở lên.
Ví dụ: Anh C tình cờ xem trên facebook cây hoa anh túc (Cây thuốc phiện) nở đẹp nên đã tìm mua và trồng một bụi hoa anh túc trước nhà với mục đích làm cảnh. Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện anh C có hành vi trồng cây hoa anh túc nên đã xử phạt hành chính anh A với tội danh trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý. Do anh A chỉ trồng với một số lượng ít dưới 500 cây nên cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính anh A chứ không khởi tố hình sự.
Trong trường hợp người có hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 247 BLHS 2015.