Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh – trật tự. Vậy hiểu thế nào cho đúng tính chất và xác định đúng các đặc điểm, dấu hiệu của tội này, hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết sau đây:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phần 1
Khái niệm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Điều 174 của BLHS 2015 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt như sau
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng.
Theo quy định này, có thể hiểu lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để người khác tin nhầm và giao tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Bên cạnh đó, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hai dấu hiệu đặc trưng cấu thành tội phạm là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Trong đó, hành vi gian dối là điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối. Tức là, hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt có mối quan hệ nhân quả với nhau.
Hành vi gian dối có thể thực hiện thông qua đa dạng và phức tạp các hình thức như lời nói, giấy tờ giả hoặc mạo danh người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Hành vi chiếm đoạt là hành vi chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình bằng thủ đoạn gian dối.
Đặc điểm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đặc điểm thứ nhất
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm hại đến quyền sở hữu của nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân. Đối tượng tác động của tội này là tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên đang thuộc quyền sở hữu của người khác.
Ví dụ: Biết Bà A cho vay tiền chỉ cần thế chấp giấy tờ là giấy chứng minh nhân dân, Ông B đã làm giả CMND để thế chấp vay tiền Bà A số tiền 100 triệu đồng. Sau khi lấy được tiền, Ông B đã chuyển chỗ ở để trốn tránh hành vi lừa đảo của mình.
Trong tìm huống này, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ông B đã xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của Bà A. Số tiền 100 triệu đồng thuộc quyền sở hữu của Bà A chính là đối tượng tác động của tội phạm do Ông B gây ra.
Đặc điểm thứ hai
Hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng thủ đoạn gian dối, người phạm tội đã đưa ra thông tin sai sự thật để người khác tin là thật và giao tài sản của họ cho người phạm tội.
Đặc điểm nổi bật của tội phạm này là ý định chiếm đoạt tài sản phải xuất hiện trước thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nếu như sau khi có được tài sản, đối tượng mới xuất hiện mục đích chiếm đoạt bằng việc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt thì hành vi này không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà trở thành hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, thủ đoạn gian dối của người phạm tội đóng vai trò là nguyên nhân trực tiếp làm cho người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.
Ví dụ: A là nhân viên tạp vụ của Công ty X, không có khả năng xin việc hộ nhưng lại giới thiệu mình là người nhà giám đốc Công ty X và hứa xin cho chị B vào làm việc tại đây với điều kiện chị B phải đưa cho mình 100 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, A không xin việc và không trả lại tiền cho chị B.
Trong tình huống trên, A đã sử dụng thủ đoạn gian dối là nói với chị B mình là người nhà giám đốc Công ty X và có khả năng xin việc cho chị B. Trên thực tế, A không có khả năng xin việc cho chị B. Hành vi gian dối này của A nhằm làm cho chị B tin tưởng và để chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng của chị B.
Đặc điểm thứ ba
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội biết tài sản mà mình chiếm đoạt là tài sản đang thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác nhưng vẫn mong muốn chuyển tài sản đó thành tài sản của mình một cách trái pháp luật.
Người phạm tội trong trường hợp này nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác, nhận thức rõ thủ đoạn được thực hiện là gian dối nhưng mong muốn người có tài sản tin tưởng mình. Đồng thời họ cũng dịch chuyển tài sản của người bị hại một cách bất hợp pháp từ chủ sở hữu tài sản với mục đích chính là chiếm đoạt được tài sản. Mục tiêu này phải có trước hành vi gian dối và là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: Trong ví dụ ở Đặc điểm thứ hai nêu trên, A nhận thức rõ được tính chất nguy hiểm cho xã hội của mình là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của chị B nhưng vẫn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc A nói dối chị B cho thấy mục tiêu làm chị B tin tưởng để chiếm đoạt tiền đã có trước khi A thực hiện hành vi gian dối.
Xem thêm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo BLHS 2015 (phần 2) tại https://luatsubinh.vn/336-2/