Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do hành vi phạm tội mà có là một tội thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng được quy định tại Điều 323 Bộ luật hình sự 2015. Thế nhưng, liệu có phải tất cả các trường hợp chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có đều sẽ bị xử lý hình sự? Bài viết sau đây sẽ giải đáp cho câu hỏi trên.
Khái niệm về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Tài sản do người khác phạm tội mà có là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 1 của Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC giải thích, có thể hiểu tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
Việc “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.
Tài sản do người khác phạm tội mà có bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản (khoản 3 Điều 1 của Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC).
Cấu thành tội tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có
Căn cứ theo khoản 1 Điều 323 của BLHS 2015, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi của người tuy không có hứa hẹn trước nhưng lại chứa chấp, tiêu thụ tài sản dù biết tài sản đó là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có được.
* Về mặt chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
* Về mặt khách thể
Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, đồng thời gián tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
* Về mặt khách quan
– Hành vi khách quan
+ Căn cứ để xác định người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không dựa vào giá trị tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ.
Vì nếu người có được tài sản đó nhưng không phải là do người khác phạm tội mà có, hoặc có hành vi của người có tài sản đó thiếu một trong các yếu tố cấu thành tội phạm thì chưa gọi là tài sản do phạm tội mà có.
+ Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được chia thành hai hành vi sau đây:
(i) Hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có: Là việc một cá nhân biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội nhưng cầm, giữ, che giấu tài sản do người khác phạm tội mà có
(ii) Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: Là việc một cá nhân biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội nhưng vẫn mua để sử dụng hoặc vào mục đích mua bán khác để tiêu thụ tài sản này cho người phạm tội.
Do đó, tùy vào hành vi phạm tội mà người bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể chịu các tội danh khác nhau trong Điều 323 của BLHS 2015.
– Hành vi phạm tội phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
(i) Không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ chứa chấp hoặc sẽ tiêu thụ tài sản của người đó;
(ii) Khi nhận tài sản hoặc tiêu thụ tài sản thì mới biết rõ là do người giao tài sản phạm tội mà có được tài sản đó.
– Hậu quả của hành vi phạm tội: xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người bị hại, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Về mặt chủ quan
– Yếu tố lỗi: Là lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là tài sản do người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mà có.
– Mục đích không phải yếu tố bắt buộc khi xác định có phạm tội này hay không.
Nếu người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ có sự hứa hẹn trước với người có tài sản do thực hiện hành vi phạm tội mà có thì họ sẽ được coi là đồng phạm (người giúp sức) với người có tài sản do hành vi phạm tội mà có được nhưng không cấu thành tội này. Nếu người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được không hứa hẹn trước với người phạm tội thì không được coi là đồng phạm của tội này. Khi đó tội của họ sẽ cấu thành tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật hình sự.
Ví dụ: A nói với B rằng chiếc điện thoại A đang cầm trên tay là do trộm của chị X hàng xóm. B không hứa hẹn gì với A từ trước nhưng lại giúp A cất giấu chiếc điện thoại này trong nhà mình. Khi đó tội của A sẽ là tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật hình sự nhưng không phải là đồng phạm với A vì B không hứa hẹn gì trước với A.
Trường hợp người tiêu thụ không biết nguồn gốc tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản bất hợp pháp do phạm tội mà có được thì sẽ không bị xử lý hình sự theo Điều 323 Bộ luật hình sự (Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có) mà trong trường hợp này, mọi giao dịch mua hoặc bán số tài sản bất hợp pháp đó sẽ bị coi là giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 131 Bộ luật dân sự 2015), dẫn đến việc hai bên hoàn trả lại những gì đã nhận.
Các hình phạt được áp dụng
Chế tài hành chính
Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi tiêu thụ tài sản người khác phạm tội mà có như sau:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Do đó, người tiêu thụ tài sản người khác phạm tội mà có sẽ bị phạt hành chính từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.”
Ngoài ra, người tiêu thụ tài sản người khác phạm tội mà có còn phải chịu các hình phạt bổ sung và khắc phục hậu quả theo quy định.
Chế tài hình sự
Điều 323 của BLHS 2015 quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi sẽ có những khung hình phạt cụ thể và khác nhau. Người phạm tội có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc có thể bị phạt tù với khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm.