Xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động thương mại quốc tế rất phổ biến và đang trên đà phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới vì những lợi ích kinh tế to lớn mà hoạt động này đem lại cho các quốc gia. Tuy nhiên, để được phép thực hiện hoạt động này, doanh nghiệp cần được cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu. Bài viết dưới đây sẽ trình bày một số thông tin cơ bản về loại giấy phép này.
Pháp luật điều chỉnh
Luật Quản lý ngoại thương 2017
Nghị định số 69/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương
Điều kiện xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu
Thứ nhất, cần xem xét liệu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có thuộc trường hợp phải xin cấp giấy phép hay không
Thông thường, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều được quyền xuất khẩu hàng hóa phù hợp với nội dung đăng kí kinh doanh nội địa của mình mà không cần đăng kí giấy phép kinh doanh xuất khẩu. Tuy nhiên có một số mặt hàng riêng biệt nằm trong danh sách hàng hóa cần phải có giấy phép xuất khẩu.
Theo Điều 9 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP, các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải xin cấp giấy phép bao gồm:
– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện (Phụ lục III của Nghị định số 69/2018/NĐ-CP);
– Hàng hóa có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh (Phụ lục IV của Nghị định số 69/2018/NĐ-CP);
– Hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, được Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác (Khoản 1 Điều 14 của Luật Quản lý ngoại thương 2017).
Thứ hai, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể có thể xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu
Các chủ thể có thể xin cấp giấy phép nhập khẩu là:
– Các doanh nghiệp Việt Nam không có vốn đầu tư của các công ty, tổ chức nước ngoài.
– Các doanh nghiệp, chi nhánh có vốn đầu tư nước ngoài hoặc công ty nước ngoài tại Việt Nam đều phải thực hiện theo các quy định xuất nhập khẩu tại Việt Nam và lộ trình của Bộ Công Thương công bố khi muốn xin cấp giấy phép.
Hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu
Căn cứ theo Điều 9 của Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép xuất, nhập khẩu bao gồm:
STT | Tên văn bản | Số lượng |
1 | Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân | 01 bản chính |
2 | Giấy chứng nhận đầu tư / giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh | 01 bản sao có đóng dấu của thương nhân |
3 | Các giấy tờ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật |
Quy trình xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu
Căn cứ theo Điều 9 của Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, quy trình xin cấp giấy phép xuất, nhập khẩu bao gồm:
- Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền cấp giấy phép.
Tùy theo mặt hàng cần xin giấy phép, cần nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền tương ứng như:
Bộ Công Thương: hóa chất, thuốc nổ, vật liệu nổ,…
Bộ Thông tin & Truyền thông: ấn phẩm, sách, báo, tạp chí,…
Bộ Y Tế: thuốc phải kiểm soát đặc biệt, nguyên liệu thuốc, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, hóa chất,…
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch: tác phẩm điện ảnh, tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh, di vật, cổ vật,…
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thuốc bảo vệ thực vật, giống vật nuôi, giống cây trồng, giống thủy hải sản, thức ăn nuôi, phân bón,…
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, bộ, cơ quan ngang bộ thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.
- Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời thương nhân.
- Trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan, thời hạn xử lý hồ sơ tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của cơ quan liên quan.
- Việc cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do mất, thất lạc thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Thương nhân chỉ phải nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
– Thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài hơn thời gian cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
– Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời, nêu rõ lý do