Tôi có thắc mắc, người bị tâm thần, bị điên loạn khi đi ngoài đường họ gây ra vụ việc đánh nhau gây thương tích cho người khác, họ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?
Văn phòng Luật sư Bình và Cộng sự xin gửi đến quý anh chị thông tin tư vấn vấn đề này như sau:
Thứ nhất, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là gì?
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng của người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức ý nghĩa xã hội của hành vì hoặc khả năng điều khiển hành vi theo các đòi hỏi của xã hội.
Thứ hai, người điên đánh người gây thương tích có bị đi tù không?
Theo Điều 21 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về việc không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đây là một trong những trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với những người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, người ở trong tình trạng bị coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn cả hai điều kiện, sau khi có sự can thiệp của giám định tâm thần tư pháp.
1) Phải mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần;
2) Không có khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi (và như vậy cũng không có năng lực điều khiển hành vì đó) hoặc tuy có khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi nhưng không có năng lực điều khiển hành vi đó.
Thứ ba, tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế có phải đi tù không?
Trường hợp chủ thể tuy cũng mắc bệnh nhưng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức ý nghĩa xã hội của hành vi hoặc khả năng điều khiển hành vi theo các đòi hỏi của xã hội. Hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong trường hợp này vẫn bị coi là tội phạm. Tuy nhiên, đây là trưởng hợp trách nhiệm hình sự được giảm nhẹ, vì tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế có ảnh hưởng nhất định đến mức độ lỗi.
Tình tiết này được quy định cùng với những tình tiết khác tại Điều 51 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Thứ tư, người điên gây thiệt hại có phải bồi thường không?
Khi một người bị mắc bệnh tâm thần gây ra thiệt hại, người giám hộ của họ có trách nhiệm phải bồi thường cho gia đình bạn theo quy định của Bộ luật dân sự, ngoài ra, người bệnh có thể bị đưa tới bệnh viện tâm thần để chữa trị bắt buộc. Việc này được quy định cụ thể tại Điều 49 Bộ luật hình sự hiện hành như sau:
Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh
-
Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
-
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
-
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Thứ năm, những dấu hiệu xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự?
Có hai dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Dấu hiệu y học (mắc bệnh) và dấu hiệu tâm lý (mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi) tại Điều 21 BLHS năm 2015 quy định:
+ Thứ nhất, người gây thiệt hại cho xã hội là người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần (dấu hiệu về y học).
Các loại bệnh tâm thần thường gặp như các bệnh thiểu năng tâm thần, tâm thần phân liệt…hoặc một số bệnh khác như loạn thần do tuổi già, rối loạn nhận thức sau tai biến, rối loạn nhận thức sau chấn thương sọ não, bệnh động kinh…
Theo các nhà y học khi mắc bệnh tâm thần thì làm ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức của con người và từ đó ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của họ.
+ Thứ hai, do mắc bệnh tâm thần đã làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi (dấu hiệu về tâm lý).
Dấu hiệu tâm lý phản ánh khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm của hành vi, nhận thức về những đòi hỏi của xã hội khi thực hiện hành vi nhất định. Người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mất đi năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện, họ không hiểu được hành vi đó là đúng hay sai, có phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội hay không, có phù hợp với quy định của pháp luật hay không…Chính vì sự rối loạn nhận thức như vậy, nên họ không thể kiềm chế việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng như cân nhắc, lựa chọn xử sự cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Theo ngành y học và tâm lý thì khi một người mất năng lực nhận thức thì tất yếu làm mất khả năng điều khiển hành vi. Nhưng cũng có những trường hợp mắc các loại bệnh khác như động kinh…có lúc lên cơn bệnh ở trong thời điểm nhất định, nhưng do xung động bệnh lý mà con người này không thể điều khiển hành vi của mình theo mong muốn. Ví dụ một người đang điều khiển ô tô bất ngờ lên cơn động kinh đã làm cho chân tay họ không thể điều khiển ô tô theo ý muốn nên tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra, mặc dù thời điểm đó có thể nhận thức của họ vẫn còn.
Như vậy, một người được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự phải đồng thời thỏa mãn hai dấu hiệu y học (mắc bệnh) và tâm lý (khả năng nhận thức…), trong đó dấu hiệu tâm lý có vai trò quyết định.
Bởi nếu người đang mắc bệnh tâm thần nhưng mức độ nhẹ, chỉ làm hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (họ vẫn là người có điều kiện để có lỗi) thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho xã hội nhưng có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Việc xác định hai dấu hiệu y học và tâm lý phải thông qua giám định tâm thần tư pháp. Kết luận giám định tâm thần tư pháp là căn cứ để kết luận một người gây thiệt hại cho xã hội có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.
=> Chỉ được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi đồng thời cả hai dấu hiệu: y học và tâm lí đều thoả mãn. Hai dấu hiệu này tuy có quan hệ với nhau (trong đó dấu hiệu y học có vai trò là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lí có vai trò là kết quả) nhưng không có nghĩa đã mắc bệnh tâm thần là đều dẫn đến việc mất năng lực nhận thức hoặc mất năng lực điều khiển. Năng lực này có mất hay không không những phụ thuộc vào loại bệnh mà còn phụ thuộc vào mức độ bệnh và vào tính chất của hành vi đã thực hiện. Có loại bệnh tâm thần luôn luôn làm mất năng lực trách nhiệm hình sự, có loại bệnh chỉ làm mất năng lực này khi bệnh ở mức độ nhất định và có loại bệnh hoàn toàn không làm mất năng lực này.
Việc xác định hai dấu hiệu này đều thuộc nội dung của giám định tâm thần tư pháp. Kết luận giám định tâm thần tư pháp không chỉ xác định người thực hiện hành vi có tính chất gây thiệt hại cho xã hội có mắc bệnh tâm thần và có trong trạng thái bệnh khi thực hiện hành vi đó hay không mà còn xác định ảnh hưởng của bệnh đã mắc (nếu có) đối với năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của người bệnh.
Văn phòng Luật sư Bình và Cộng sự xin gửi đến quý anh chị thông tin liên quan đến vấn đề pháp lý này. Nếu quý anh chị đang phải đối mặt với bất kỳ vấn đề liên quan tới pháp luật, hoặc có những câu hỏi cần được giải đáp. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ quý anh chị.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ Hotline: 098 9084 777 (Luật sư Bình) – 0353 177 133 (Lê Tuấn Trợ lý)
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN AN BÌNH VÀ CỘNG SỰ
- Địa chỉ: Chung cư Ecohome 2, đường Tân Xuân, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, HN
- Hotline: 098 9084 777
- support@luatsubinh.vn
Trưởng Văn phòng là Thạc sỹ – Luật sư Nguyễn An Bình.
Luật sư Bình đã có trên 10 năm kinh nghiệm hành nghề, tham gia hàng ngàn vụ án hình sự, dân sự, thương mại, tranh chấp đất đai, tranh chấp ly hôn, tài sản với vai trò là luật sư tố tụng bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Luật sư Bình cũng từng là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và có thời gian công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân Bình Dương.
Luật sư Bình luôn nằm trong Top những Luật sư uy tín, giàu kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, hiện tại đang có gần 700.000 người theo dõi trên nền tảng Tiktok và là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình.