Tranh chấp đất đai là một hiện tượng thường xảy ra trong đời sống xã hội và ở mọi thời kỳ lịch sử. Qua việc giải quyết tranh chấp đất đai mà các quan hệ đất đai được điều chỉnh phù hợp với lợi ích của Nhà nước, lợi ích xã hội và của người sử dụng đất, mang lại sử ổn định trong nội bộ nhân dân, làm cho những quy định của pháp luật đất đai được thực hiện trong cuộc sống.
Khái niệm về giải quyết tranh chấp đất đai
Giải quyết tranh chấp đất đai là giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tổ chức trên cơ sở đó phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, đồng thời truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật đất đai.
Giải quyết tranh chấp đất đai còn được hiểu là dùng những cách thức phù hợp trên cơ sở pháp luật nhằm tìm ra một giải pháp thích hợp giải quyết bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất, bao gồm phục hời các quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị xâm hại và buộc bên vi phạm phải gánh chịu hậu quả pháp lý do hành vi của họ gây ra.
Không phải tranh chấp đất đai nào cũng có thể được giải quyết thông qua Tòa án. Pháp luật có quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai, theo đó Tòa án chỉ được giải quyết những tranh chấp đất đai nào thuộc thẩm quyền của mình được pháp luật quy định. Cụ thể, pháp luật đất đai căn cứ vào việc người sử dụng đất đai có hay không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có hay không có giấy tờ hợp lệ về đất đai và vào sự tự do lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp của đương sự để phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, bao gồm:
- Thứ nhất, đối với tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất; tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 nhưng đương sự lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
- Thứ hai, đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 nhưng đương sự lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp là nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau: (i) Trường hợp tranh chấp giữ hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; (ii) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết, nếu khong đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân thoe quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp được hiểu là hệ thống các quan điểm tư tưởng chỉ đạo có tác dụng định hướng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết các tranh chấp đất đai phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản sau:
Bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thực hiện vai trò đại diện cho chủ sở hữu
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân có nghĩa là: Đất đai không thuộc sở hữu riêng của một tổ chúc hay cá nhân nào. Các tổ chúc, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân chỉ là chủ thể của quyền quản lý và sử dụng đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai là quyền sở hữu duy nhất và tuyệt đối. Tính duy nhất và tuyệt đối thể hiện ở chỗ quyền sở hữu toàn dân bao trùm lên tất cả đất đai, dù đất đó dang do ai sử dụng. Việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư phải đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất, tiết kiệm có hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đây là nguyên tắc pháp lý xuyên suốt trong quá trình quản lý và sử dụng đất, phản ánh đặc trưng của quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai. Do vậy, khi giải quyết các tranh chấp đất đai, các cơ quan có thẩm quyền nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc này và coi đó là cơ sở để tự hòa giải trong nội bộ quần chúng nhân dân.
Bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất, nhất là lợi ích kinh tế, khuyến khích tự hòa giải trong quần chúng nội bộ nhân dân
Việc chú ý giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên khi giải quyết tranh chấp đất đai là điểm mấu chốt để giải quyết các tranh chấp đất đai. Theo quy định của pháp luật hiện hành, trước khi đưa các tranh chấp đất đai ra giải quyết tại các cơ quan có thẩm quyền, nhất thiết các tranh chấp này phải qua thủ tục hòa giải và pháp luật khuyến khích các bên tự thương lượng hòa giải. Đây có thể được coi là giải pháp hữu hiệu khi giải quyết tranh chấp đất đai do nó vừa tiết kiệm thời gian, công sức, thể hiện rõ nhất ý chí của các bên, lại vừa giảm được áp lực cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết tranh chấp.
Phải nhằm mục đích ổn định tình hình kinh tế, xã hội: gắn việc giải quyết tranh chấp đất đai với việc tổ chúc lại sản xuất, tạo điều kiện cho lao động ở nông thôn có việc làm phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu, sử dụng đất và cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Giải quyết tranh chấp đất đai phải gắn với việc tổ chúc lại sản xuất, tạo điều kiện cho ai giỏi nghề gì thì làm nghề đó, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng thâm canh, tăng vụ trên cơ sở không ngừng cải tạo đất đai, bố trị lại cơ cấu sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường. Với ý nghĩa to lớn đó, khi giải quyết tranh chấp đất đai chúng ta phải triệt để thực hiện nguyên tắc này.
Ngoài những nguyên tắc cơ bản trên, khi giải quyết tranh chấp đất đai cần phải tuân thủ một số nguyên tắc khác như: thực hiện đúng việc phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp; bảo vệ các giao dịch đã thiết lập theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng truyền thống, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của người khác; tôn trọng tự do ý chí, tự do thỏa thuận, thiện chí, trung thực và nguyên tắc pháp chế.