Các văn bản pháp luật về đất đai của việt Nam đều khẳng định đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc gia. Vì tầm quan trọng này cùng với giá trị vật chất của đất đai, có vô số các vụ tranh chấp đất đai đã xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người có liên quan đến vụ việc. Bài viết dưới đây xin trình bày một số thông tin tổng quan về giải quyết tranh chấp đất đai theo pháp luật Việt Nam hiện nay.
Khái niệm tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ đất đai.
Những tranh chấp đất đai phát sinh được các chủ thể biểu hiện bằng các hành vi cụ thể. Để có cơ sở hiểu rõ về các tranh chấp đất đai, cần hiểu rõ bản chất của loại tranh chấp này thông qua việc xem xét các đặc điểm của nó.
Đặc điểm của tranh chấp đất đai
Thứ nhất, đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, sử dụng và những lợi ích vật chất khác phát sinh từ quá trình phát sinh một loại tài sản đặc biệt không thuộc sở hữu của các bên tranh chấp đó, tài sản đó thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
Thứ hai, chủ thể của các tranh chấp đất đai là chủ thể của quá trình quản lý, sử dụng đất mà không có quyền sở hữu đối với đất đai. Các chủ thể tranh chấp chỉ có quyền sử dụng và các quyền đó chỉ phát sinh khi có các quyết định giao đất, cho thue đất, nhận chuyển nhượng, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Các chủ thể này có thể là các cá nhân, tổ chúc, hộ gia đình, cộng đồng dân cư với nhau hoặc tranh chấp giữa họ với các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý đất đai hoặc trong trường hợp tranh chấp về địa giới hành chính thì các đơn vị hành chính giải quyết với nhau.
Thứ ba, tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên khi tranh chấp xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Thứ tư, hiện nay tranh chấp đất đai rất đa dạng và phong phú, phức tạp bởi trong điều kiện nền kinh tế thị trường, đất là loại tài sản có giá trị lớn, một loại hàng hóa có giá trị đặc biệt, chịu tác động của quy luật cung – cầu, quy luật giá cả. Ngoài ra, đất theo quy hoạch của các dự án cũng biến đổi thường xuyên. Tranh chấp mang tính khu vực, trung ương và quốc gia. Các dạng tranh chấp do đó chủ yếu bao gồm:
Các dạng tranh chấp đất đai hiện nay
Tranh chấp quyền sử dụng đất
Thứ nhất, tranh chấp giữa nhưng người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới sử dụng hoặc do các bên không thỏa thuận được với nhau, hoặc có thể là do sai sót từ phía cơ quan Nhà nước trong quá trình đo đạc.
Thứ hai, tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế. Có thể có trường hợp người chết có tài sản là đất đai nhưng khi chết không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp dẫn đến các đồng thừa kế không tự thỏa thuận được với nhau.
Thứ ba, tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền về quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn. Đây là tài sản chung của vợ chồng có trong thời kỳ hôn nhân bằng nhiều hình thức: nhận chuyển nhượng, được tặng, cho, thừa kế, nhưng khi ly hôn hai vợ chồng không thể tự thỏa thuận chia.
Thứ tư, tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, tài sản gắn với quyền sử dụng đất. Đây có thể là các tranh chấp diễn ra đối với các trường hợp trước đây họ có quyền sử dụng đất nhưng do các chính sách pháp luật của Nhà nước ở thời điểm trước đã chia, cấp cho người khác hoặc mượn đất đai của họ nay không chịu trả.
Thứ năm, tranh chấp đòi lại đất, tài sản của dòng họ, nhà thờ tổ, thánh thất, chùa chiền, các di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng do hoàn cảnh đất nước, do lịch sử để lại các cơ sở này được Nhà nước mượn, trưng dụng, sử dụng vào các mục đích khác nhau nay họ đòi lại quyền sử dụng.
Thứ sáu, sử dụng vào các mục đích khác nhau nay họ đòi lại quyền sử dụng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ bảy, tranh chấp giữa đồng bào dân tộc ở địa phương với người đi xây dựng kinh tế mới, do lịch sử để lại các cơ sở này được Nhà nước mượn, trưng dụng, sử dụng vào mục đích khác nhau nay họ đòi lại quyền sử dụng.
Thứ tám, tranh chấp có thể xảy ra giữa các đơn vị hành chính với nhau.
Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Tranh chấp này là việc một bên trong quan hệ đất đai tự ý vi phạm làm cản trợ hoặc thiệt hại đến quyền và lợi ích của bên kia hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ các quyền của mình dẫn đến tranh chấp phát sinh. Đây là loại tranh chấp phổ biến và có số lượng, mức độ phức tạp tương đối lớn, liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.