Theo điều 131 BLHS 2015 quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ;
b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
2. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Xúi giục người khác tự sát là gì? Giúp người khác tự sát là gì?
Xúi giục người khác tự sát là hành vi của một người đã có những lời lẽ kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
Giúp người khác tự sát là hành vi của một người tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
Đây là điều luật quy định hai hành vi phạm tội. Nếu người phạm tội có cả hai hành vi xúi giục và giúp người khác tự sát thì tội danh mà họ bị truy cứu là tội “xúi giục và giúp người khác tự sát” chứ không có từ “hoặc” và nếu người phạm tội chỉ có hành vi xúi giục thì định tội là “xúi giục người khác tự sát”, nếu chỉ có hành vi giúp thì định tội là “Giúp người khác tự sát”.
Các dấu hiệu của tội phạm
1. Hành vi xúi giục người khác tự sát
Hành vi xúi dục người khác tự sát bao gồm:
– Kích động người tự sát.
Kích động người khác tự sát là có những lời lẽ nhằm thúc đẩy bằng cách tác động tâm lý làm cho người bị kích động tự ái tới mức cao độ nên đã tự sát. Nếu không có những lời lẽ kích động đó thì nạn nhân dù có chán đời, có những uẩn khúc trong cuộc sống cũng chưa tới mức tự sát.
Ví dụ: Chị Hoàng Thị D đang chán đời , vì bị chồng ruồng bỏ, hắt hủi muốn ly dị. Trần Văn K là một thanh niên càn quấy, rượu chè, bị chồng chị D mua chuộc nhờ K tìm cách xúi giục làm cho chị D tự ái mà tự tử. T nhận lời đến gặp chị D và nói: “Em mà như chị thì em chẳng sống làm gì cho khổ… chồng con gì mà tệ bạc… ngày nào em cũng thấy anh ấy đi chơi với cô X cùng cơ quan, nhiều lần bắt gặp hai người trong công viên v.v…” Sẵn chán đời, lại nghe K nói như vậy chị D đã uống thuốc tự tử.
– Dụ dỗ người khác tự sát.
Là người phạm tội đã có những lời lẽ khuyên bảo một cách khéo léo để làm cho người khác tự sát theo ý muốn của mình. Ví dụ: Tạ Thị L và Bùi Văn H yêu nhau, nhưng H còn yêu cả chị M và muốn cắt đứt với L nên H nói dối với L là gia đình H không đồng ý cho H lấy L làm vợ. Vì quá yêu H nên L bàn với H trốn khỏi địa phương, H lấy lí do là không thể đi được, nhưng để trọn tình với L, H bàn với L là cả hai cùng nhảy xuống sông tự tử để cả hai đứa mãi mãi được ở bên nhau. Vì quá yêu H nên L đồng ý, cả hai đều nhất trí khi nào H hô đến ba thì nhảy xuống sông. Khi H hô đến ba thì chỉ có L nhảy xuống sông còn H thì quay về báo cho mọi người biết là L tự tử.
Những lời nói kích động, dụ dỗ của người phạm tội là nhằm thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tự sát. Vì vậy, ý thức của người phạm tội là mong muốn làm sao cho nạn nhân tự sát. Nếu chỉ vì một vài lời nói có tính chất kích động mà nạn nhân sẵn có ý muốn tự sát, còn người có lời nói đó hoàn toàn không mong muốn cho nạn nhân tự sát thì cũng không phạm tội xúi giục người khác tự sát. Ví dụ: Chị B và chị C cùng làm việc ở một cơ quan. Có lần chị C tâm sự với chị B về việc chồng mình đi ngoại tình, về nhà còn đánh đập chửi mắng vợ con. Nghe chuyện, chị B cũng bực tức và nói: “Tôi mà như thế thì chết quách cho đỡ khổ”. Mấy ngày sau, chị C thắt cổ tự tử.
2. Hành vi giúp người khác tự sát
Hành vi giúp người khác tự sát là hành vi tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất để người khác tự sát, như: tìm kiếm, cung cấp phương tiện để nạn nhân tự sát hoặc hứa hẹn trước với nạn nhân giữ kín việc tự sát của họ. Ví dụ: A biết B có ý định tự sát và A cũng muốn B tự sát nhưng B chưa biết tự sát bằng cách nào, B nhờ A đi mua hộ thuốc ngủ và không được nói là mua hộ B, A đã nhận lời và mua cho B 20 viên thuốc ngủ và B đã uống một lúc hết 20 viên thuốc ngủ nên đã bị chết.
Người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là tạo điều kiện cho nạn nhân tự sát thì mới là phạm tội giúp người khác tự sát. Nếu họ không biết và không thể biết hành động của mình tạo điều kiện cho nạn nhân tự sát thì không phạm tội này.
Ví dụ: Chị K bị chồng ruồng bỏ, nên chán đời muốn tự tử. Chị K đến nhờ N mua hộ 10 lít xăng, N hỏi chị mua xăng làm gì, chị K trả lời về đổi lấy dầu chạy máy xát gạo vì nhà chị K có máy xát gạo, N tưởng thật đã mua cho chị K 10 lít xăng. Tối hôm đó, trong lúc gia đình đi vắng, chị K đã đổ xăng vào nhà và đổ vào quần aó rồi bật lửa tự thiêu.
3. Người bị hại phải tự mình thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng
Cũng tương tự như trường hợp bức tử, nạn nhân bằng nhiều phương pháp khác nhau, đã tự mình thực hiện việc tước đoạt tính mạng của chính mình như: thắt cổ, uống thuốc độc, nhảy xuống sông, đâm vào bụng, bắn vào đầu v.v… Nếu nạn nhân tuy muốn chết nhưng lại không thực hiện hành vi tự tước đoạt tính mạng của mình mà nhờ người khác giúp thì không phải là giúp người khác tự sát mà người có hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 1233 Bộ luật hình sự 2015.
Ví dụ: A muốn tự sát bằng súng K54, nhưng không dám bắn nên đã nhờ B bắn vào đầu mình khi B đang ngủ say.
Cả hai trường hợp xúi giục và giúp người khác tự sát, chỉ cần người bị xúi giục hoặc được giúp đỡ có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành, còn nạn nhân có chết hay không, điều đó chỉ có ý nghĩa khi xem xét đến việc quyết định hình phạt hoặc xem xét đến việc có truy tố người phạm tội này hay không chứ không có ý nghĩa định tội. Tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, bởi lẽ dù có bị xúi giục hoặc được giúp đỡ đến mức nào đi nữa mà người bị xúi giục, người được giúp đỡ không tự sát thì vẫn chưa phải là tội phạm.
Cả hai trường hợp phạm tội trên, người phạm tội thực hiện hành vi của mình đều do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, thấy trước được hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát nhất định hoặc có thể dẫn đến nạn nhân tự sát và mong muốn hoặc bỏ mặc cho việc tự sát xảy ra. Nếu nạn nhân bị chết thì cái chết của nạn nhân chỉ là hậu quả gián tiếp do hành vi xúi giục hoặc giúp đỡ nạn nhân của người phạm tội chưa không phải là hậu quả trực tiếp. Vì vậy, không nên xét lỗi của người phạm tội đối với cái chết của nạn nhân.