Chế tài phạt vi phạm hợp đồng được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Thương mại, Bộ luật dân sự,… Quy định pháp luật về chế tài này đã trở thành một chế định quan trọng để bảo vệ các bên tham gia giao dịch thương mại. Hiện nay, chế định này đang ngày một được củng cố và sử dụng nhiều hơn như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của các chủ thể này.
Khái niệm về chế tài phạt vi phạm hợp đồng
Điều 300 của Luật Thương mại 2005 quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận”. Căn cứ điều khoản này, có thể hiểu chủ thể có quyền đòi phạt vi phạm là bên bị vi phạm hợp đồng và chủ thể có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền phạt là bên vi phạm hợp đồng. Khách thể được các bên hướng tới trong quan hệ này là một khoản tiền phạt vi phạm được thỏa thuận bởi các bên nhưng không được trái quy định của pháp luật.
Điều kiện để điều khoản phạt vi phạm hợp đồng có hiệu lực
Căn cứ Điều 300 của Luật Thương mại 2005, phạt vi phạm chỉ có thể xảy ra trong trường hợp các bên tham gia hợp đồng thương mại đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Do đó, một bên không thể yêu cầu bên kia phải chịu phạt vi phạm nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng trước đó về vấn đề này.
Bên cạnh đó, quy định về giới hạn của mức phạt vi phạm hợp đồng hiện nay được quy định là do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 của Luật Thương mại 2005). Một văn bản pháp luật khác có giá trị điều chỉnh quan hệ pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng là Bộ luật dân sự 2005 lại có quy định dường như mâu thuẫn với điều khoản này trong Luật Thương mại 2005, theo đó các bên được tự thỏa thuận về mức phạt (Khoản 2 Điều 418). Ở đây xuất hiện mâu thuẫn giữa hai văn bản pháp luật khi điều chỉnh cùng một vấn đề. Tuy nhiên, căn cứ theo nguyên tắc áp “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung”, trong trường hợp này, luật chuyên ngành là Luật Thương mại sẽ được ưu tiên áp dụng thay vì luật chung là Bộ luật dân sự.
Như vậy, để có thể tận dụng hết khả năng của chế định phạt vi phạm hợp đồng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thì khi soạn thảo các thỏa thuận trong hợp đồng, các bên cần có quy định về các trường hợp phạt vi phạm, nội dung của việc phạt vi phạm cũng như điều kiện để tiến hành phạt vi phạm một cách chi tiết và cụ thể nhất. Nhờ đó, sẽ giúp tiết kiệm thời gian giải quyết cũng như hạn chế xảy ra các tranh chấp không đáng có khi có vi phạm hợp đồng cũng như tránh dẫn đến những hậu quả không mong muốn liên quan đến danh tiếng, quan hệ hợp tác kinh doanh của các bên trong tương lai.
Vụ việc thực tế
Bản án số 05/2014/KDTM-ST ngày 20/01/2014 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Nguyên đơn là Ông Nguyễn Văn V và Bị đơn là Công ty PL.
Tóm tắt vụ việc:
Ông V và Công ty PL ký hợp đồng mua bán hàng hóa là gỗ tràm. Sau khi ký hợp đồng, ông V đặt cọc 30 triệu đồng, thời gian giao hàng là 06 ngày. Sau 02 ngày, Ông V đến kiểm tra thì gỗ cưa không đúng quy cách nên yêu cầu Công ty PL trả tiền cọc. Công ty PL hứa chuyển trả số tiền đặt cọc nhưng không trả và nói chưa đến ngày giao hàng. Đến ngày giao hàng, do Công ty PL không cung cấp gỗ dẫn đến việc Ông V không có hàng cho đối tác. Vì vậy, Ông V phải bồi thường và hủy bỏ chuyến hàng với đối tác của mình.
Ông V đã khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty PL trả lại cho ông: tiền cọc 30 triệu đồng; Phạt giao hàng không đúng hẹn là 10% giá trị hợp đồng, tổng cộng là 14.445.000 đồng; phạt 8% giá trị hợp đồng theo Luật thương mại, tổng cộng là 11.556.000 đồng; Tiền lãi chậm trả tính từ ngày giao tiền đến ngày Tòa xét xử, lãi suất 1,5%/tháng, tạm tính là 9.000.000 đồng, tổng cộng là 65.001.000 đồng.
Quyết định của Tòa án:
Không chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn là Ông Vinh về việc buộc Bị đơn là Công ty PL trả lại cho nguyên đơn: Tiền cọc 30 triệu đồng; Phạt giao hàng không đúng hẹn là 10% giá trị hợp đồng; Phạt 8% giá trị hợp đồng theo Luật thương mại; tiền lãi.
Nhận xét:
Yêu cầu của Ông Vinh về việc phạt vi phạm hợp đồng là trái quy định tại Điều 301 của Luật Thương mại 2005. Cụ thể, theo điều khoản này thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng là không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Trong khi đó, Ông Vinh lại yêu cầu phạt giao hàng không đúng hẹn là 10% giá trị hợp đồng và phạt 8% giá trị hợp đồng.