Tội phạm có thể do một người thực hiện nhưng cũng có thể do nhiều chủ thể cùng gây ra. Tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, trường hợp một chủ thể thực hiện hành vi phạm tội có sự khác biệt tương đối lớn so với trường hợp nhiều chủ thể cùng thực hiện hành vi phạm tội. Nói một cách dễ hiểu khác, hành vi phạm tội được cố ý thực hiện bởi nhiều chủ thể chính là đồng phạm.
Đồng phạm là gì?
Căn cứ theo Bộ luật hình sự hiện hành quy định tại điều 17 “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
Đồng phạm là một dạng thực hiện tội phạm đặc biệt. Đồng phạm cũng có các dấu hiệu pháp lý chung như mọi trường hợp phạm tội khác được quy định trong Bộ luật hình sự: có tính nguy hiểm cho xã hội, do những chủ thể có đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự gây ra, bị xử lý hình sự nếu có hành vi phạm tội…Bên cạnh những dấu hiệu chung như trên, đồng phạm còn có những dấu hiệu riêng gọi là dấu hiệu pháp lý của đồng phạm. Nếu thoả mãn các dấu hiệu pháp lý chung và dấu diệu pháp lý của đồng phạm thì được coi là đồng phạm.
Dấu hiệu pháp lý của đồng phạm.
Dấu hiệu về mặt khách quan.
Theo quy định tại Điều 17 BLHS, đồng phạm có hai dấu hiệu khách quan:
-Dấu hiệu thứ nhất: Có từ hai chủ thể trở lên
Chỉ được coi là đồng phạm nếu số lượng chủ thể tham gia phạm tội phải có ít nhất hai chủ thể cùng tham gia. Chủ thể ở đây có thể là cá nhân, cũng có thể là pháp nhân thương mại( Điều 74 BLHS quy định “Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này, theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này” và Điều 85 BLHS quy định tình tiết tăng nặng đối với pháp nhân là “Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”). Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp có từ hai cá nhân hay hai pháp nhân thương mại trở lên thực hiện tội phạm đều được coi là đồng phạm. Những người tham gia thực hiện tội phạm phải có đủ điều kiện về chủ thể của tội phạm mới được coi là đồng phạm. Đối với cá nhân, điều kiện về chủ thể bao gồm năng lực trách nhiệm hình sự và phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Với pháp nhân thương mại, phải thoả mãn các điều kiện quy định tại Điều 75 BLHS. Trường hợp mặc dù có hai cá nhân hay pháp nhân thương mại cùng thực hiện một hành vi phạm tội nhưng nếu một trong hai chủ thể cá nhân hay pháp nhân thương mại không đáp ứng đủ các yêu cầu về chủ thể của tội phạm thì không được coi là đồng phạm.
Ví dụ: A- 20 tuổi là sinh viên đại học dụ dỗ B- 13 tuổi mang một túi nilon đen trong đó có chứa 1kg bánh Hêroin đến quán Karaoke và hứa sẽ cho B tiền chơi điện tử. Trong tình huống này, dù có hai chủ thể cùng tham gia hành vi phạm tội nhưng B sẽ không được coi là đồng phạm bởi B mới 13 tuổi, chưa đạt độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Dấu hiệu thứ hai: cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Sẽ được coi là đồng phạm nếu những chủ thể tham gia cùng thực hiện một tội phạm cụ thể. Nghĩa là mỗi chủ thể trong đồng phạm đều phải tham gia vào một khâu hay thực hiện một hoạt động trong quá trình thực hiện tội phạm. Sự tham gia của họ có thể là ngay từ đầu hoặc trong giai đoạn tội phạm được chuẩn bị…Vai trò đồng phạm của mỗi chủ thể trong việc thực hiện tội phạm có thể khác nhau. Tại Điều 17 BLHS quy định có 4 hành vi cụ thể tương ứng với 4 vai trò của những người đồng phạm khi thực hiện hành vi phạm tội:
Người thực hành: Là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức: Là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục: Là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức: Là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Ví dụ: Anh A là đội trưởng đội quản lý thị trường, trong một lần đi kiểm tra, anh A phát hiện chiếc xe tải do anh X là chủ xe đang chở một lô hàng với số lượng lớn thực phẩm bẩn. Anh X đã đưa cho anh A số tiền 10 triệu đồng với mong muốn anh A cho xe mình qua chốt. Anh A đã nhận tiền và cho xe anh X qua chốt để mang số thực phẩm bẩn đó đi tiêu thụ. Vậy nên, hành vi của anh A là đồng phạm với anh X. Vai trò của anh A trong việc đồng phạm này là người giúp sức bởi anh A đã tạo điều kiện vật chất cho anh X. Còn anh X sẽ đóng vai trò là người thực hành.
Dấu hiệu về mặt chủ quan.
– Thứ nhất: Dấu hiệu về lỗi cố ý.
Lỗi của những chủ thể tham gia thực hiện đồng phạm phải là lỗi cố ý và giữa họ phải có một sự cố ý cùng thực hiện hành vi phạm tội. Sự cố ý cùng tham gia thực hiện tội phạm của các chủ thể được thể hiện ở lý trí và ý chí của họ
+ Về lý trí: Các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội biết rõ hành vi của mình và những người cùng đồng phạm sẽ gây hậu quả thiệt hại, nguy hiểm cho xã hội.
+ Về ý chí: Tất cả các chủ thể tham gia cùng mong muốn thực hiện một tội phạm chung và đều mong muốn hoặc có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Ví dụ: Vì thiếu tiền trả nợ nên A, X và Y đã lẻn vào nhà ông D và giết ông nhằm cướp hết số tiền ông để trong két sắt . Cả A, X và Y đều biết rõ hành vi của nhau sẽ gây nguy hiểm cho xã hội nhưng đều mong muốn hậu quả đó xảy ra. Vì vậy, A, X và Y đều bị coi là đồng phạm trong vụ án này
-Thứ hai: dấu hiệu về động cơ và mục đích phạm tội.
Trong các vụ án có yếu tố đồng phạm, giữa các chủ thể phải có sự thống nhất giữa động cơ và mục đích phạm tội. Nếu không có sự thống nhất về mục đích phạm tội thì sẽ không có đồng phạm, trong trường hợp đó các chủ thể sẽ chịu trách nhiệm hình sự độc lập với nhau.
Ví dụ: Các tội phạm xâm phạm đến tính mạng con người, mục đích xâm phạm đến tính mạng con người là dấu hiệu để định tội. Vì vậy, để xác định đồng phạm trong trường hợp này thì phải chỉ ra và chứng minh được các chủ thể tham gia hành vi phạm tội đều có chung mục đích xâm phạm đến tính mạng người khác.
Các dấu hiệu pháp lý bao gồm dấu hiệu về mặt chủ quan và dấu hiệu về mặt khách quan là những dấu hiệu cần và đủ để xác định các chủ thể tham gia phạm tội có cùng đồng phạm với nhau hay không. Trong một vụ phạm tội, nếu chỉ có dấu hiệu về mặt chủ quan hoặc chỉ có dấu hiệu về mặt khách quan thì không được coi là đồng phạm. Chỉ khi thoả mãn về cả hai mặt chủ quan và khách quan thì mới hình thành quan hệ đồng phạm giữa những người phạm tội.