Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật dân sự 2015. Là hình thức trách nhiệm dân sự được lập ra nhằm mục đích buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại, chế định bồi thường thiệt hại luôn là một trong những chế định được quan tâm nhất khi nhắc đến các quy định pháp luật về hợp đồng.
Khái niệm về thiệt hại trong pháp luật dân sự
Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức 1. Thiệt hại được chia thành nhiều loại, căn cứ theo đối tượng bị thiệt hại do hành vi xâm phạm của bên vi phạm. Theo BLDS 2015, thiệt hại phải bồi thường bao gồm thiệt hại về tài sản (Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015), thiệt hại về sức khoẻ (Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015), thiệt hại về tính mạng (Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015), thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015).
Khái niệm về bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự
Định nghĩa
Điều 13 BLDS 2015 có quy định rằng, cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Theo điều khoản này, bồi thường thiệt hại (BTTH) là một nghĩa vụ dân sự hay trách nhiệm dân sự, theo đó, khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại đến quyền dân sự của người khác thì phải bồi thường những tổn thất mà người vi phạm đó gây ra.
Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh, trách nhiệm BTTH bao gồm trách nhiệm BTTH trong hợp đồng và trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Đây được coi là cách phân loại cơ bản nhất, được quy định trong BLDS 2015. Bởi thiệt hại trong hợp đồng và thiệt hại ngoài hợp đồng là hai loại thiệt hại có bản chất khác nhau, dẫn đến việc bồi thường thiệt hại trong hai trường hợp này là khác nhau. Do đó, việc xác định trách nhiệm BTTH thuộc trường hợp nào trong hai trường hợp trên mang yếu tố quyết định đối với việc xác định mức độ BTTH cũng như giúp cho áp dụng pháp luật dân sự đúng đắn.
Đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại
– Về cơ sở pháp lý: Trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm Dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Dân sự. Khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì họ phải bồi thường thiệt hại và bồi thường thiệt hại chính là một quan hệ tài sản do Luật Dân sự điều chỉnh và được quy định trong BLDS ở Điều 307 và Chương XXI và các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS.
– Về điều kiện phát sinh: trách nhiệm BTTH chỉ đặt ra khi thoả mãn các điều kiện nhất định đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng), có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với
thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại (không phải là điều kiện bắt buộc). Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm BTTH có thể phát sinh khi không có đủ các điều kiện trên điển hình là các trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.
– Về hậu quả: trách nhiệm BTTH luôn mang đến một hậu quả bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại. Bởi lẽ, khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì tổn thất đó phải tính toán được bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại lượng vật
chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường. Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt hại. Và cũng chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giúp khôi phục lại thiệt hại cho người bị thiệt hại.
– Về chủ thể bị áp dụng trách nhiệm: Ngoài người trực tiếp có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm BTTH còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác đó là cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ của người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân gây ra thiệt hại, trường học, bệnh viện trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại hoặc tổ chức khác như cơ sở dạy nghề…