Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang ngày càng phát triển hiện nay, khi Việt Nam tham gia ký kết, thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mang đến cho thị trường bán lẻ Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong những FTA mang lại . Do đó, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần chủ động học hỏi và nắm rõ các cam kết đối với phân ngành dịch vụ bán lẻ trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP để phát huy lợi thế, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong bối cảnh mới.
Cam kết về dịch vụ bán lẻ trong Hiệp định CPTPP của Việt Nam
Cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP có liên quan tới 3 phương thức cung ứng dịch vụ. Đó là: (i) cung cấp qua biên giới; (ii) hiện diện thương mại và (iii) làm việc tại nước sở tại. Nghĩa vụ có liên quan đối với dịch vụ này là đối xử quốc gia. Tại Phụ lục II – Việt Nam – XII có nêu, Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến việc cung cấp qua biên giới dịch vụ bán lẻ đối với việc phân phối các sản phẩm không phải là sản phẩm phục vụ nhu cầu cá
nhân hay chương trình phần mềm máy tính hợp pháp phục vụ nhu cầu cá nhân hay thương mại.
Trong Phụ lục I – Việt Nam – 6, Việt Nam có đưa ra quy định yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế đối với việc thành lập các cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở đầu tiên. Cụ thể, việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ đầu tiên) sẽ được cho phép trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Đối với việc xin phép thành lập nhiều hơn một cơ sở bán lẻ, phải tuân thủ quy trình đã có và được công bố công khai và việc cấp phép phải dựa trên các tiêu chí khách quan. Các tiêu chí chính để kiểm tra nhu cầu kinh tế là số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý. Tuy nhiên, đối với việc thành lập các cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 tại các khu vực đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hoá và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, thì sẽ không phải kiểm tra nhu cầu kinh tế. Việt Nam cũng cam kết rằng, năm năm sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực (tức là ngày 14 tháng 01 năm 2024), việc kiểm tra nhu cầu kinh tế sẽ bị bãi bỏ và bảo lưu này sẽ hết hiệu lực.
Bình luận cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam đối với phân ngành dịch vụ bán lẻ trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP
Dịch vụ bán lẻ là một trong 04 nhóm dịch vụ thuộc phân ngành dịch vụ phân phối trong Bảng phân loại các ngành dịch vụ của WTO. Xét về tần suất và quy mô, trong số các dịch vụ phân phối, dịch vụ bán lẻ là dịch vụ chủ đạo. Thậm chí dịch vụ bán buôn (nhóm dịch vụ thuộc phân ngành dịch vụ phân phối) thực chất cũng phục vụ cho dịch vụ bán lẻ. Dựa trên tầm quan trọng cũng như sự phát triển của dịch vụ này ở nước ta trong 5 năm trở lại đây, có thể thấy các cam kết mở cửa thị trường đối với nhóm dịch vụ này của Việt Nam được cân nhắc cẩn trọng để vừa đẩy mạnh hội nhập quốc tế, vừa đảm bảo được quyền lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Thách thức đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam
Nội dung cam kết mở cửa thị trường dịch vụ bán lẻ tại Phụ lục II Hiệp định CPTPP của Việt Nam sâu hơn nội dung trong cam kết với WTO. Điều này sẽ khiến cho cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư CPTPP trên thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ gay gắt hơn bao giờ hết. Với lực đẩy từ Hiệp định CPTPP, làn sóng các nhà bán lẻ tiến vào sẽ càng tăng mạnh thêm trong những năm tới. Thêm vào đó, việc không hạn chế mở thêm điểm bán lẻ sau 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực có thể dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ chiếm thị phần lớn trong thị trường bán lẻ Việt Nam. Bởi việc mở cửa mạnh mẽ thị trường bán lẻ sẽ cho phép các tập đoàn, siêu thị lớn trên thế giới có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm, phương tiện quản lý hiện đại sẽ thâu tóm, chi phối thị trường bán lẻ trong nước. Trong khi đó, phần đông doanh nghiệp bán lẻ nước ta có quy mô nhỏ và vừa, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn như Masan, Sài Gòn Co.op được các chuyên gia kinh tế đánh giá là đủ năng lực để cạnh tranh.
Những cơ hội đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam
Thông qua Hiệp định CPTPP, thị trường bán lẻ có cơ hội gia tăng quy mô thị trường nhờ việc mở rộng nội dung cam kết cũng như tình hình tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân hiện nay. Ngoài ra, CPTPP còn giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối, bán lẻ từ các cam kết về thương mại hàng hóa.
Có đánh giá cho rằng, cam kết trong Hiệp định CPTPP sẽ không làm tác động lớn hay thay đổi cục diện thị trường nhiều, bởi “Trong hơn 10 năm qua, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được “tôi luyện”, thử thách. Về cơ bản, họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này. Điều này chỉ đúng trong trường hợp doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tận dụng tốt những cơ hội có được từ CPTPP và nâng cao cơ sở vật chất, phương tiện kĩ thuật, chất lượng dịch vụ như kiểm soát được chất lượng hàng hóa, không buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng…