BLTTDS 2015, so với BLTTDS 2011, đã bổ sung thêm một số BPKCTT như: Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ, cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình, tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu, bắt giữ tàu bay, tàu biển để đảm bảo giải quyết vụ án.
Nhóm các BPKCTT mà Tòa án có quyền tự mình áp dụng
Biện pháp giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục
Biện pháp này thường được áp dụng khi Tòa án giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình. Khi đó, Tòa án quyết định chuyển người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong vụ án cho người khác hoặc cho một cơ quan, tổ chúc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong trường hợp những người này chưa có người giám hộ nhằm bản vệ khẩn cấp quyền, lợi ích của các chủ thể không có năng lực hành vi đầy đủ trong xã hội.
Biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng
Biện pháp này là việc Tòa án quyết định buộc người bị yêu cầu cấp dưỡng phải tạm cấp trước một khoản tiền nhất định để đảm bảo cho người được cấp dưỡng giải quyết được những khó khăn trước mắt của họ, đểhọ không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống. Biện pháp này thường được áp dụng trong các vụ án về hôn nhân và gia đình như ly hôn, yêu cầu cấp dưỡng khi ly hôn… trên cơ sở có yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu hoặc do chính Tòa án thực hiện.
Biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm
Biện pháp này là việc Tòa án buộc người gây thiệt hại phải ứng trước một số tiền nhất định để bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. BPKCTT này chỉ áp dụng với những vụ án có liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và yêu cầu đòi bồi thường là có căn cứ và cần thiết. Tuy pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam không giải thích cụ thể thế nào là trong trường hợp cần thiết, “cần thiết” có thể được hiểu là sự cần thiết phải áp dụng ngay BPKCTT buộc bồi thường trước một phần nghĩa vụ bồi thường, nếu không người bị thiệt hại không có điều kiện, cơ hội để bảo toàn tính mạng, chăm sóc, cứu chữa sức khỏe của mình, dẫn đến nguy cơ tính mạng, sức khỏe sẽ bị xâm phạm sẽ trầm trọng hơn, bị thiệt hại nặng nề hơn. Biện pháp này được áp dụng tạm thời cho đến khi Tòa án có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về giải quyết vụ việc dân sự.
Nhóm các BPKCTT mà Tòa án chỉ áp dụng khi có đơn yêu cầu của đương sự hoặc người đại diện của đương sự
Biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp
Kê biên tài sản đang tranh chấp là BPKCTT do Tòa án quyết định áp dụng nhằm kiểm kê, thống kê những tài sản đang có tranh chấp trong vụ kiện để nắm rõ về những tài sản đó và buộc người đang giữ tài sản tranh chấp không được chuyển dịch, tẩu tán hay phá hủy tài sản. Tài sản đang tranh chấp có thể bị kê biên theo biện pháp này có thể là động sản hoặc bất động sản. Trường hợp tài sản bị kê biên là động sản thì sau khi kê biên, tài sản có thể được thu giữ, bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án hoặc giao cho người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án. Trường hợp tài sản bị kê biên là bất động sản thì sau khi kê biên, tài sản có thể được giao cho đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án. Theo Điều 120 BLTTDS 2015, biện pháp này được áp dụng khi có hai điều kiện sau:
+ Thứ nhất, về đối tượng kê biên: chỉ áp dụng đối với tài sản đang có tranh chấp mà không phải là áp dụng đối với tất cả tài sản của đương sự trong vụ án dân sự.
+ Thứ hai, chỉ được Tòa án quyết định áp dụng khi “có căn cứ cho thấy người đang giữ tài sản có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản tranh chấp”.
Biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp
Biện pháp này là việc Tòa án buộc người đang giữ tài sản tranh chấp không được thay đổi, chuyển đổi quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Theo Điều 121 BLTTDS 2015, BPKCTT này “được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác”.
Theo Điều 120 BLTTDS 2015, biện pháp này được áp dụng khi có hai điều kiện sau:
+ Thứ nhất, về đối tượng cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp: BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp chỉ áp dụng đối với tài sản đang có tranh chấp mà không phải là áp dụng đối với tất cả tài sản của đương sự trong vụ án dân sự. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp ở đây được hiểu là cấm chuyển dịch các quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng định đoạt và các quyền khác đối với tài sản như quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt và quyền hưởng dụng đối với tài sản đang tranh chấp. Với biện pháp khẩn cấp tạm thời này, Tòa án sẽ buộc người đang nắm giữ tài sản mà tài sản đó đang có tranh chấp là đối tượng của vụ án dân sự mà Tòa án đang xem xét, giải quyết không được thay đổi, chuyển nhượng quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Trên thực tế, biện pháp này thường được áp dụng đối với các tranh chấp liên quan đến tài sản mà phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng như quyền sử dụng đất, nhà ở, ô tô, máy bay, xe máy, tàu, thuyền,… Tài sản là đối tượng áp dụng biện pháp này có thể đang do đương sự chiếm hữu, nắm giữ hoặc do người thứ ba nắm giữ, chiếm hữu. Mục đích của việc áp dụng biện pháp này là nhằm ngăn chặn ngay, không cho đương sự hoặc người đang chiếm hữu tài sản tẩu tán tài sản tranh chấp, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
+ Thứ hai: Tương tự như BPKCTT kê biên tài sản tranh chấp, BPKC này chỉ được Tòa án quyết định áp dụng khi “có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người người khác”. Như vậy, chỉ khi có những căn cứ xác thực là người đang chiếm hữu, nắm giữ tài sản tranh chấp đã có hành vi tẩu tán, hủy hoại tàn sản tranh chấp thì Tòa án mới được quyết định áp dụng BPKCTT này.
Biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp
BPKCTT cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp là việc Tòa án buộc người đang giữ tài sản tranh chấp phải giữ nguyên hiện trạng bên ngoài, vốn có của tài sản tranh chấp bởi việc thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp sẽ làm thay đổi giá trị của tài sản tranh chấp. Theo Điều 122 BLTTDS 2015, “trong quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó”.
Việc thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp sẽ làm thay đổi giá trị tài sản tanh chấp, ảnh hưởng đến kết quả của việc xem xét, đánh giá chứng cứ cũng như hoạt động thi hành án dân sự nên mặc dù chưa có quyết định chính thức giải quyết về tài sản tranh chấp nhưng trước mắt Tòa án sẽ buộc người có hành vi lắp ghép, cơi nới, xây dựng thêm đối với tài sản tranh chấp phải ngừng ngay lập tức những hành vi đó để bảo toàn tài sản, giữ nguyên giá trị tài sản tranh chấp. Trên thực tế, đối tượng của việc áp dụng biện pháp này là nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng khác, ô tô, xe máy, hay các tài sản hữu hình khác.
Điều kiện áp dụng BPKCTT cấm thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp được quy định tại Điều 122 BLTTDS 2015 là “người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác”.
Biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước
Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước là trường hợp Tòa án buộc ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc kho bạc nhà nước cô lập, không cho đương sự chuyển dịch tài sản mà họ có trong tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng, hay kho bạc nhà nước, trước khi có bản án, hoặc quyết định chính thức của Tòa án về việc giải quyết vụ kiện đó. Sau khi tài khoản bị phong tỏa thì mọi giao dịch liên quan đến tài sản bị phong tỏa đều vô hiệu. Đương sự sẽ không thể tẩu tán hoặc hủy hoại được tài sản nếu như chưa thực hiện xong nghĩa vụ đối với bên có quyền hoặc nếu chưa có quyết định khác của Tòa án. Sau khi có quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp phong tỏa tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc kho bạc nhà nước có hiệu lực thì các tổ chức này phải có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định đó, tức là ngừng ngay mọi giao dịch liên quan đến tài sản đang bị phong tỏa trong tài khoản của người có nghĩa vụ.
Biện pháp này hiện nay được quy định tại Điều 124 BLTTDS 2015. Điều kiện áp dụng được quy định tại Điều 112 BLTTDS: “Trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc đảm bảo cho việc thi hành án”.
Biện pháp phong tỏa tài sản tại nơi gửi giữ
Là trường hợp Tòa án cô lập, không cho người đang nắm giữ, quản lý tài sản của người có nghĩa vụ chuyển dịch các tài sản đó cho người khác trong một thời gian nhất định để chờ bản án, quyết định chính thức của Tòa án về việc giải quyết vụ kiện đó.
Là một biện pháp quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được quy định tại khoản 10 Điều 102, điều kiện áp dụng biện pháp này được quy định tại Điều 113 BLTTDS: “Nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc đảm bảo cho việc thi hành án”.
Phong tỏa tài sản tại nơi gửi giữ có tác dụng ngăn ngừa hành vi muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền, bên có nghĩa vụ chuyển tài sản của mình sang cho người khác giấu diếm, cất giữ hộ ở nơi khác, nhằm bảo toàn tài sản, đảm bảo khả năng thi hành án. Dựa trên nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, Tòa án chỉ áp dụng biện pháp này khi đương sự có yêu cầu nếu người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại có những chứng cứ chứng minh người có nghĩa vụ đang cất giữ tài sản ở nơi khác.
Biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Là việc Tòa án cô lập, buộc người có nghĩa vụ không được chuyển dịch tài sản cho người khác trong một thời gian nhất định, để chờ bản án, quyết định chính thức của Tòa án về việc giải quyết vụ án. Sau khi tài sản của người có nghĩa vụ bị Tòa án phong tỏa, mọi giao dịch đối với tài sản đó bị vô hiệu, cho đến khi người có nghĩa vụ thực hiện xong nghĩa vụ đối với bên có quyền và họ được Tòa án hủy bỏ áp dụng biện pháp này, hoặc Tòa án áp dụng BPKCTT khác thay cho BPKCTT nêu trên, nhờ vậy tài sản của người có nghĩa vụ sẽ được bảo toàn, bảo đảm khả năng thi hành án.
BPKCTT này được quy định tại Điều 126 BLTTDS 2015, theo đó “nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án”.