Bảo vệ quyền con người là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật. Một trong các phương thức bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền dân sự của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình khởi kiện, giải quyết tranh chấp tại Tòa án là áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
Khái niệm các biện pháp khẩn cấp tạm thời
BPKCTT là cách thúc giải quyết một vấn đề nào đó một cách nhanh chóng, gấp gáp nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, không mang tính chất lâu dài, ổn định. Đây chính là công đoạn tố tụng rút ngắn và giản đơn nhằm giúp cơ quan tài phán can thiệt nhanh chóng, kịp thời nhằm bảo vệ tài sản tranh chấp, chứng cứ hoặc các đảm bảo khác thiết yếu cho thi hành các nghĩa vụ, trong phiên tranh tụng chính chưa kết thúc.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi vụ án dân sự đều được Tòa án áp dụng BPKCTT mà chỉ có những vụ án dân sự xuất hiện tình huống thực sự khẩn cấp và việc áp dụng BPKCTT vào việc giải quyết vụ án đó là có căn cứ và cần thiết, khi đó Tòa án có thể xem xét quyết định áp dụng BPKCTT.
BPKCTT trong TTDS được áp dụng trong việc giải quyết các vụ án dân sự xuất phát từ yêu cầu việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án phải đảm bảo nguyên tắc gviari quyết kịp thời, để từ bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do đó, trong những trường hợp khẩn cấp, Tòa án phải có ngay biện pháp can thiệp phù hợp với các tình tiết, nội dung vụ án để bảo vệ tjam thời quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy, BPKCTT có 2 tính chất là tính khẩn cấp và tính tạm thời. Hai tính chất này chi phối các quy định về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục áp dụng và các cơ chế bảo đảm sự đúng đắn của việc áp dụng từng BPKCTT, đồng thời buộc Tòa án phải nhanh chóng áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT trong các điều kiện do pháp luật quy định.
BPKCTT hiện chưa được quy định cụ thể về khái niệm trong pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, có thể hiểu BPKCTT trong TTDS là các biện pháp do pháp luật quy định và được Tòa án áp dụng để tạm thời giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản, bảo đảm thi hành án, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự.
Khái niệm áp dụng BPKCTT trong tố tụng dân sự
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một hình thức cụ thể của áp dụng pháp luật nói chung, không chỉ bao gồm việc Tòa án nghiên cứu, xem xét các quy định của pháp luật TTDS về biện pháp khẩn cấp tạm thời để quyết định áp dụng hay không áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT trên cơ sở thủ tục được PLTTDS quy định, mà còn bao gồm việc ra quyết định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ BPKCTT đã được áp dụng. Việc áp dụng hay sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ đều nhằm mục đích bảm đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Tùy theo tính chất, mức độ phức tạp của mỗi vụ án dân sự, các BPKCTT được áp dụng sẽ có tác dụng trong thời điểm này và có thể không còn tác dụng, không còn cần thiết trong một thời điểm khác. Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ BPKCTT cũng phải tuân theo đầy đủ các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Đặc điểm của việc áp dụng BPKCTT trong tố tụng dân sự
Áp dụng BPKCTT là hoạt động áp dụng pháp luật, có đầy đủ các đặc điểm của hoạt động áp dụng pháp luật nói chung như: Mang tính quyền lực nhà nước, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành, mang tính cá biệt và cụ thể, đòi hỏi sự sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh các đặc điểm chung nêu trên, áp dụng BPKCTT trong việc giải quyết các vụ án dân sự còn có những đặc điểm riêng biệt dưới đây;
- Đa số các BPKCTT được áp dụng trên cơ sở quyền yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của đương sự: Đa số các BPKCTT thường là các biện pháp liên quan đến tài sản chỉ được do một bên yêu cầu (có thể là đương sự hoặc người đại diện của đương sự). Trường hợp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT là có căn cứ và cần thiết, Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT và cũng trên cơ sở yêu cầu của đương sự, Tòa án sẽ ra quyết định thay đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ BPKCTT nếu thấy không phù hợp hoặc không còn cần thiết. Trong một số trường hợp, Tòa án có thể chủ động áp dụng BPKCTT mà không cần có đơn yêu cầu của đương sự. Mục đích của việc áp dụng BPKCTT trong các trường hợp này là nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ kịp thời quyền lợi của người có yêu cầu áp dụng BPKCTT hoặc người yếu thế.
- Chủ thể áp dụng BPKCTT là Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, mà cụ thể là Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử tiến hành: Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có Tòa án, cụ thể là Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử được quyền áp dụng BPKCTT trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm. Nếu vụ án đã được đưa ra xét xử tại phiên tòa thì các vấn đề phát sinh tại phiên tòa, trong đó có việc quyết định về BPKCTT phải do Hội đồng xét xử thực hiện.
- Việc áp dụng BPKCTT phải nhanh chóng, kịp thời nhưng chỉ có hiệu lực thi hành tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định: Do có mục đích là nhằm bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, BPKCTT được áp dụng phải đảm bảo được yếu tố nhanh chóng, kịp thời, thì tính mạng, sức khỏe, tài sản… của người yêu cầu áp dụng BPKCTT sẽ được bảo đảm. Bên cạnh đó, do việc áp dụng BPKCTT tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của bên bị áp dụng BPKCTT nên cần phải được áp dụng kịp thời, bí mật, bất ngờ và có hiệu quả. Tuy nhiên, quyết định áp dụng BPKCTT không phải là phán quyết cuối cùng trong giải quyết vụ việc dân sự mà chỉ là giải pháp tạm thời khi Tòa án chưa đưa ra được phán quyết có hiệu lực pháp luật để giải quyết. Do đó, quyết định về áp dụng BPKCTT sẽ có hiệu lực cho đến khi có bản án, quyết định về giải quyết vụ việc dân sự có hiệu lực pháp luật.
- Áp dụng BPKCTT phải tuân theo các điều kiện, trình tự thủ tục do pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự: Tòa án (Thẩm phán hay Hội đồng xét xử) phải tuân thủ đày đủ các điều kiện về trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Đó là các điều kiện pháp luật về người có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT (đơn yêu cầu, thời điểm yêu cầu, nội dung yêu cầu, tài liệu chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu…); các điều kiện về trình tự, thủ tục ra quyết định áp dụng BPKCTT, thời hạn ra quyết định, hình thức văn bản của Tòa án,…
Ý nghĩa của việc áp dụng BPKCTT trong giải quyết các vụ án dân sự
- Áp dụng BPKCTT góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự: Các BPKCTT như buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng, buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại,… được áp dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự.
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tjam thời góp phần bảo vệ chứng cứ cho việc giải quyết vụ án: Trong nhiều trường hợp, đương sự thường có tâm lý muốn hủy hoại, tiêu hủy chứng cứ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình. Do vậy, BPKCTT giúp ngăn ngừa các hành vi tiêu cực của đương sự như hủy hoại chứng cứ, mua chuộc, …, tạo điều kiện cho Tòa án giải quyết vụ án được đúng đắn, chính xác, khách quan.
- Áp dụng BPKCTT góp phần bảo toàn tài sản, bảo đảm khả năng thi hành án dân sự: Các BPKCTT như kê biên tài sản, cám chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài sản, tài khoản,… các biện pháp này được áp dụng đối với người có nghĩa vụ nhằm ngăn chặn những người này tẩu tán, hủy hoại tài sản,… qua đó, có tác dụng bảo toàn tài sản, bảo đảm thi hành án.
- Áp dụng BPKCTT góp phần thúc đẩy người có nghĩa vụ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ: Qúa trình kiện tụng phải mất một khoảng thời gian khá dài trong khi có những tình huống khẩn cấp đòi hỏi Tòa án phải quyết định ngay các BPKCTT cần thiết nếu không tính mạng, sức khỏe, tài sản của người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm không được bảo đảm. Do vậy, trong trường hợp khẩn cấp, pháp luật quy định cho phép đương sự đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện, có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng ngay BPKCTT. Trong nhiều trường hợp việc áp dụng BPKCTT buộc người có nghĩa vụ phải tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình hoặc thỏa thuận với bên nguyên đơn về giải quyết vụ án.