1. Hỏi: “Hợp đồng thuê tài sản” là gì?
Đáp:
Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng thuê tài sản như sau:
– Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
– Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hỏi: Giá thuê tài sản được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 473 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giá thuê tài sản như sau:
– Giá thuê do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên, trừ trường hợp luật có quy định khác.
– Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì giá thuê được xác định theo giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng thuê.
3. Hỏi: Thời hạn thuê tài sản được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn thuê tài sản như sau:
– Thời hạn thuê do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê.
– Trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn thuê và thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì mỗi bên có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên kia trước một thời gian hợp lý.
4. Hỏi: Bên thuê tài sản có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê không?
Đáp:
Điều 475 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về cho thuê lại tài sản như sau:
Bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý.
5. Hỏi: Việc giao tài sản thuê được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao tài sản thuê như sau:
– Bên cho thuê phải giao tài sản cho bên thuê đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng, thời điểm, địa điểm đã thỏa thuận và cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó.
– Trường hợp bên cho thuê chậm giao tài sản thì bên thuê có thể gia hạn giao tài sản hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại; nếu tài sản thuê không đúng chất lượng như thỏa thuận thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa, giảm giá thuê hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
6. Hỏi: Nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 477 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê như sau:
– Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.
– Trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:
+ Sửa chữa tài sản;
+ Giảm giá thuê;
+ Đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết hoặc tài sản thuê không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được.
– Trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời thì bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê với chi phí hợp lý, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa.
7. Hỏi: Nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 478 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê như sau:
– Bên cho thuê phải bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê.
– Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
8. Hỏi: Bên thuê tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê như thế nào?
Đáp:
Điều 479 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê như sau:
– Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất, hư hỏng thì phải bồi thường.
– Bên thuê không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê.
– Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lý.
9. Hỏi: Bên thuê tài sản có nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê như thế nào?
Đáp:
Điều 480 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích như sau:
– Bên thuê phải sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
– Trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
10. Hỏi: Trách nhiệm trả tiền thuê tài sản được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 481 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trả tiền thuê tài sản như sau:
– Bên thuê phải trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả tiền thuê thì thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi trả tiền; nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê.
– Trường hợp các bên thỏa thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
11. Hỏi: Việc trả lại tài sản thuê được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 482 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trả lại tài sản thuê như sau:
– Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.
– Trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp tài sản thuê là gia súc thì bên thuê phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.
– Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê, trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.
– Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.
12. Hỏi: “Hợp đồng thuê khoán tài sản” là gì?
Đáp:
Điều 483 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng thuê khoán tài sản như sau:
Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.
13. Hỏi: Đối tượng của hợp đồng thuê khoán gồm những tài sản gì?
Đáp:
Điều 484 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đối tượng của hợp đồng thuê khoán như sau:
Đối tượng của hợp đồng thuê khoán có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
14. Hỏi: Thời hạn thuê khoán được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 485 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn thuê khoán như sau:
Thời hạn thuê khoán do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không rõ ràng thì thời hạn thuê khoán được xác định theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán.
15. Hỏi: Giá thuê khoán được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 486 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giá thuê khoán như sau:
Giá thuê khoán do các bên thỏa thuận; nếu thuê khoán thông qua đấu thầu thì giá thuê khoán là giá được xác định theo kết quả đấu thầu.
16. Hỏi: Việc giao tài sản thuê khoán được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 487 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao tài sản thuê khoán như sau:
Khi giao tài sản thuê khoán, các bên phải lập biên bản đánh giá tình trạng của tài sản thuê khoán và xác định giá trị tài sản thuê khoán.
Trường hợp các bên không xác định được giá trị thì mời người thứ ba xác định giá trị và phải lập thành văn bản.
17. Hỏi: Việc trả tiền thuê khoán và phương thức trả tiền thuê khoán được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 488 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trả tiền thuê khoán và phương thức trả tiền thuê khoán như sau:
– Tiền thuê khoán có thể bằng hiện vật, bằng tiền hoặc bằng việc thực hiện một công việc.
– Bên thuê khoán phải trả đủ tiền thuê khoán cho dù không khai thác công dụng tài sản thuê khoán.
– Khi giao kết hợp đồng thuê khoán, các bên có thể thỏa thuận điều kiện về việc giảm tiền thuê khoán; nếu hoa lợi, lợi tức bị mất ít nhất là một phần ba do sự kiện bất khả kháng thì bên thuê khoán có quyền yêu cầu giảm hoặc miễn tiền thuê khoán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp bên thuê khoán phải trả hiện vật theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác công dụng của tài sản thuê khoán thì phải trả vào thời điểm kết thúc thời vụ hoặc kết thúc chu kỳ khai thác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp bên thuê khoán phải thực hiện một công việc thì phải thực hiện đúng công việc đó.
– Thời hạn trả tiền thuê khoán do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên không có thỏa thuận thì bên thuê khoán phải thanh toán vào ngày cuối cùng của mỗi tháng; trường hợp thuê khoán theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh thì phải thanh toán chậm nhất khi kết thúc chu kỳ sản xuất, kinh doanh đó.
18. Hỏi: Bên thuê khoán tài sản có trách nhiệm khai thác tài sản thuê khoán như thế nào?
Đáp:
Điều 489 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về khai thác tài sản thuê khoán như sau:
Bên thuê khoán phải khai thác tài sản thuê khoán đúng mục đích đã thỏa thuận và báo cho bên thuê khoán theo định kỳ về tình trạng tài sản và tình hình khai thác tài sản; nếu bên cho thuê khoán có yêu cầu hoặc cần báo đột xuất thì bên thuê khoán phải báo kịp thời. Khi bên thuê khoán khai thác công dụng tài sản thuê khoán không đúng mục đích thì bên cho thuê khoán có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
19. Hỏi: Bên thuê khoán tài sản có trách nhiệm bảo quản, bảo dưỡng, định đoạt tài sản thuê khoán như thế nào?
Đáp:
Điều 490 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo quản, bảo dưỡng, định đoạt tài sản thuê khoán như sau:
– Trong thời hạn khai thác tài sản thuê khoán, bên thuê khoán phải bảo quản, bảo dưỡng tài sản thuê khoán và trang thiết bị kèm theo bằng chi phí của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu bên thuê khoán làm mất, hư hỏng hoặc làm mất giá trị, giảm sút giá trị tài sản thuê khoán thì phải bồi thường thiệt hại. Bên thuê khoán không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê khoán.
– Bên thuê khoán có thể tự mình sửa chữa, cải tạo tài sản thuê khoán, nếu có thỏa thuận và phải bảo toàn giá trị tài sản thuê khoán. Bên cho thuê khoán phải thanh toán cho bên thuê khoán chi phí hợp lý để sửa chữa, cải tạo tài sản thuê khoán theo thỏa thuận.
– Bên thuê khoán không được cho thuê khoán lại, trừ trường hợp được bên cho thuê khoán đồng ý.
20. Hỏi: Việc hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 491 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán như sau:
Trong thời hạn thuê khoán gia súc, bên thuê khoán được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về gia súc thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
21. Hỏi: Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 492 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán như sau:
– Trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý; nếu thuê khoán theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác.
– Trường hợp bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ mà việc khai thác đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng.
22. Hỏi: Việc trả lại tài sản thuê khoán được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 493 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trả lại tài sản thuê khoán như sau:
Khi chấm dứt hợp đồng thuê khoán, bên thuê khoán phải trả lại tài sản thuê khoán ở tình trạng phù hợp với mức độ khấu hao đã thỏa thuận; nếu làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thuê khoán thì phải bồi thường thiệt hại./.