Theo điều 146 BLHS 2015; Luật sửa đổi và bổ sung BLHS 2017( có hiệu lực ngày 01/01/2018)
“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Dấu hiệu pháp lý:
Khách thể của tội phạm: Sự phát triển bình thường về thể chất và tâm sinh lý của trẻ em, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người. Đối tượng tác động của tội phạm là người dưới 16 tuổi
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi của tội này là hành vi thỏa mãn dục vọng của người phạm tội nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Người phạm tội đã thực hiện những hành vi tác động lên thân thể, bộ phận sinh dục của nạn nhân, lấy bộ phận sinh dục của mình chà sát lên bộ phận sinh dục của nạn nhân, hôn hít vào bộ phận sinh dục của nạn nhân nhằm thỏa mãn dục vọng.
Bằng thủ đoạn lừa phỉnh, dụ dỗ, hứa hẹn, mua chuộc bằng vật chất, ép buộc… để trẻ em có những hành vi dâm ô, tác động lẫn nhau lên thân thể nhằm thỏa mãn dục vọng, tuy nhiên người thực hiện hành vi phạm tội này không có mục đích giao cấu mà chỉ có mục đích thỏa mãn dục vọng thấp hèn của mình.
Mặt chủ quan của tội phạm: Chủ thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý
Chủ thể của tội phạm: Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.