1. Hỏi: “Hợp đồng vay tài sản” là gì?
Đáp:
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Hỏi: Bên vay tài sản trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nào?
Đáp:
Điều 464 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.
3. Hỏi: Bên cho vay tài sản có nghĩa vụ gì?
Đáp:
Điều 465 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên cho vay tài sản có nghĩa vụ sau:
(1) Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
(2) Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
(3) Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp hợp đồng vay có kỳ hạn hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
4. Hỏi: Nghĩa vụ trả nợ của bên vay tài sản được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay tài sản như sau:
– Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
– Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất bằng 50% mức lãi suất giới hạn theo quy định (mức lãi suất giới hạn không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay) trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất bằng 50% mức lãi suất giới hạn theo quy định (mức lãi suất giới hạn không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay);
+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Hỏi: Việc sử dụng tài sản vay được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về sử dụng tài sản vay như sau:
Các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
6. Hỏi: Lãi suất vay được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất vay như sau:
– Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
+ Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
– Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
7. Hỏi: Hợp đồng vay không kỳ hạn được thực hiện như thế nào?
Đáp:
Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn như sau:
– Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
8. Hỏi: Hợp đồng vay có kỳ hạn được thực hiện như thế nào?
Đáp:
Điều 470 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn như sau:
– Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
– Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
8. Hỏi: “Họ, hụi, biêu, phường” là gì và được quy định như thế nào?
Đáp:
Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:
– Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
– Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi./.