Tình huống 1. A là một họa sỹ. A có ý định mở triển lãm trong thời gian 02 năm. B là một người khách đến xem tranh, rất thích bức tranh có tên “Êm” và đề nghị được mua bức tranh này. A và B thống nhất giá bán bức tranh là 2 triệu đồng, A sẽ hỗ trợ cho người giao tranh đến tận nhà cho B. Sau khi B trả đủ 2 triệu đồng cho A, ba ngày sau, A đã giao bức tranh cho B tại nhà B. Khi mở bức tranh ra xem thì B thấy bức tranh bị nhòe mực. Hỏi ra mới biết A trên đường vận chuyển gặp cơn mưa nhưng do có quá nhiều tranh phải vận chuyển nên C không dừng lại trú mưa. Vì vậy B yêu cầu A bồi thường thiệt hại. Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Theo Khoản 4 Điều 8 Bộ luật dân sự năm 2015 bức tranh là kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của A, do đó, A có quyền sở hữu đối với bức tranh, đồng thời, A cũng có quyền tác giả đối với bức tranh.
Bức tranh là một tài sản hợp pháp, A và B giao kết hợp đồng mua bán bức tranh, theo Khoản 1 Điều 8, A có quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho chủ thể khác và B có quyền xác lập quyền sở hữu đối với tài sản hợp pháp thông qua hợp đồng. Hợp đồng xác lập giữa A và B là hợp đồng mua bán tài sản, một trong những loại hợp đồng thông dụng và rất phổ biến trong đời sống xã hội.
Bức tranh đã bị thiệt hại là không còn giữ được toàn vẹn của tác phẩm. Nguyên nhân là do hành vi của C. Theo Khoản 7 Điều 8, Bộ luật dân sự năm 2015 B có quyền yêu cầu C phải bồi thường thiệt hại cho mình theo quy định của pháp luật.
Tình huống 2. C là chủ sở hữu chiếc điện thoại Iphone 7 vừa mới được giới thiệu bán trên thị trường. B không đủ tiền mua nhưng rất thích chiếc điện thoại này nên mượn của C chiếc điện thoại để xem trong một ngày. Khi đang xem điện thoại thì bạn gái của B là E đến chơi. Do tính cách sĩ diện nên B nói đây là điện thoại của mình và tặng cho E chiếc điện thoại này. Sau đó, B nói với C là đã bị móc trộm điện thoại trên đường và hứa khi nào đủ tiền sẽ mua đền C chiếc điện thoại khác. Trong một lần đi sinh nhật, C nhận thấy chiếc điện thoại của mình đang do E dùng vì có một số đặc điểm của chiếc điện thoại chỉ mình C biết. Hai bên cãi vã to tiếng. Trong cơn nóng giận, E vứt chiếc điện thoại thẳng vào tường và chiếc điện thoại bị vỡ, hỏng nặng, không sử dụng được. C đã phát hiện ra sự thật và yêu cầu B phải mua đền cho mình chiếc Iphone 7 khác.
Điều 11 BLDS năm 2015 quy định về các phương thức bảo vệ quyền dân sự. Theo đó, trong tình huống nêu trên, C đã bị xâm phạm quyền sở hữu đối với tài sản là chiếc điện thoại của mình. Do đó, C có quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự. Trước hết, C có quyền tự bảo vệ quyền dân sự, yêu cầu E (người đang chiếm giữ chiếc điện thoại) trả lại điện thoại cho mình. C có quyền yêu cầu B bồi thường thiệt hại cho chiếc điện thoại mà B đã mượn, không trả lại và nay đã bị hỏng.
Trường hợp B không thực hiện trách nhiệm của mình, C có quyền khởi kiện yêu cầu B bồi thường thiệt hại do đã xác lập hợp đồng mượn tài sản với mình nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản, đã có hành vi chuyển giao trái pháp luật tài sản cho chủ thể khác và làm hỏng tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của C.
Tình huống 3: A 10 tuổi trở thành trẻ mồ côi sau một tai nạn bị mất cả cha và mẹ. M là cô ruột của A đã thực hiện các thủ tục để giám hộ cho A. M đồng thời quản lý căn nhà và các tài sản khác của bố mẹ A để lại. 3 năm sau, do A chơi với các bạn xấu, A về đòi cô giao các tài sản của bố mẹ để bán lấy tiền chơi điện tử. M không đồng ý và còn nghiêm khắc mắng A. A đã lén lút lấy một số tài sản và bán cho O. M biết chuyện yêu cầu O phải trả lại tài sản nhưng O cho rằng đây là tài sản của A, M chỉ là người giữ hộ nên M không có quyền gì đối với các tài sản này. A đã bán cho O thì các tài sản đương nhiên thuộc sở hữu của O.
Điều 19 BLDS năm 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Theo đó, trong tình huống nêu trên A chưa có đủ năng lực hành vi dân sự để có thể tự mình bằng hành vi của mình xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự, xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự. Do đó, việc A tự mình bán các tài sản của bố mẹ để lại cho O sẽ không là căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản cho O. M có quyền yêu cầu O phải trả lại các tài sản này.
Tình huống 4: Sau một tai nạn giao thông, H bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của H không được đảm bảo, lúc nhớ lúc quên và xuất hiện một số hiện tượng nổi nóng cũng như một số hành vi không kiểm soát. Để tránh tình trạng H sẽ gây thiệt hại cho người khác hoặc sẽ mang tài sản của gia đình đi bán, K là vợ của H đã yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác định H trong tình trạng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Căn cứ vào kết luận của giám định pháp y tâm thần, Tòa án đã ra quyết định tuyên bố H là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Tuy nhiên, để giữ thể diện trong gia đình, K không công khai chuyện này cho mọi người được biết. Trong một lần H đang thơ thẩn chơi quanh xóm, H đã gặp P là bạn cũ. Nói chuyện được vài câu, P phát hiện H không được minh mẫn nên đã gạ H cho mình chiếc đồng hồ H đang đeo. H liền cởi đồng hồ cho P. Phát hiện ra chuyện, K đã yêu cầu P trả đồng hồ nhưng P cho rằng H thành niên, có quyền xác lập hợp đồng tặng cho tài sản cho P và P là chủ sở hữu của chiếc đồng hồ này căn cứ vào hợp đồng thỏa thuận giữa P và H.
Điều 23 BLDS năm 2015 quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Căn cứ theo Điều 23, trong tình huống nêu trên, H được xác định là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bởi vì, H đáp ứng các điều kiện:
(i) người thành niên do tình trạng tinh thần không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự;
(ii) có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan là vợ;
(iii) có kết luận giám định pháp y tâm thần;
(iv) có quyết định của Tòa án tuyên H là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Do đó, các giao dịch dân sự của H phải tuân theo quy định của pháp luật, cần có sự tham gia của người giám hộ. Việc H tự mình xác lập hợp đồng tặng cho tài sản với P, do đó, không thể phát sinh hiệu lực cho hợp đồng này và cũng không thể căn cứ trên hợp đồng này để xác lập quyền sở hữu cho P. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, P phải trả lại chiếc đồng hồ.
Tình huống 5: N là một nhà văn. Sau một lần ốm nặng không phát hiện và chữa trị kịp thời, N đã không còn nhận thức được bình thường. Vợ của N đã yêu cầu Tòa án tuyên N là mất năng lực hành vi dân sự và đã được Tòa án ra quyết định tuyên N mất năng lực hành vi dân sự. Một thời gian sau, do biết N đã không còn trí tuệ bình thường, bạn trong hội sáng tác của N là M đã sao chép gần như nguyên vẹn một tác phẩm của N và xuất bản, bán ra ngoài thị trường. Vợ của N đã yêu cầu M phải chấm dứt ngay hành vi này và có sự xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng M phản đối và nói rằng đây chỉ là quyền của N.
Theo Điều 25 BLDS năm 2015 quy định về quyền nhân thân. Theo đó, căn cứ trên tình huống nêu trên, N là tác giả của các tác phẩm do N sáng tác do đó, N có quyền nhân thân là quyền tác giả đối với tác phẩm. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền công bố tác phẩm thuộc quyền tác giả là quyền nhân thân có thể chuyển giao cho chủ thể khác. Những quyền khác thuộc quyền tác giả là quyền gắn liền với tác giả, không thể chuyển giao.
Khi N bị mất năng lực hành vi dân sự, quyền tác giả của N không chấm dứt. Căn cứ theo Điều 25, trường hợp này, việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của N sẽ do người đại diện theo pháp luật của N đồng ý. Do đó, M không được phép xâm phạm quyền tác giả của N. Nếu M muốn sử dụng các tác phẩm của N phải xác lập các quan hệ dân sự và được sự đồng ý của vợ N, trường hợp N là đại diện theo pháp luật.
Tình huống 6: A là người Hà Nội đi tình nguyện mùa hè và gặp B là người dân tộc Hà Nhì. Thấy B xinh xắn và dễ thương, lại được học hành tử tế, A đem lòng yêu mến và xin phép gia đình được cưới B. Một năm sau, B sinh một bé trai kháu khỉnh. A đi đăng ký khai sinh cho con và dự định sẽ đăng ký cho con thuộc dân tộc Kinh nhưng B phản đối. B cho rằng theo tập quán tại quê hương của B thì con đầu lòng phải xác định dân tộc theo dân tộc của mẹ. A không đồng ý vì cho rằng như vậy sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ. Hai vợ chồng không thể thống nhất trong việc xác định dân tộc của đứa trẻ trong giấy khai sinh là như thế nào.
Điều 29 BLDS năm 2015 quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc. Theo đó, dân tộc của cá nhân được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ. Nếu hai người này không cùng dân tộc thì cần sự thỏa thuận của cha mẹ, hoặc theo tập quán nếu không thỏa thuận được. Tình huống nêu trên, A và B là hai người thuộc hai dân tộc khác nhau và không thể thống nhất về xác định dân tộc cho con của họ. Xét trên tập quán của hai dân tộc cũng không thể xác định được cho đứa trẻ. Do đó, theo Điều 29, dân tộc của đứa trẻ được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn. Nói cách khác, trường hợp này, dân tộc của đứa trẻ được xác định là theo dân tộc của mẹ.
Tình huống 7: A yêu và kết hôn với một người đàn ông Pháp. A sinh ra E là con gái đầu lòng. Do mâu thuẫn từ lâu với gia đình của A, B là hàng xóm đã sang chế giễu E không thể là người Việt Nam, là loại con lai, nên đi nước ngoài mà sống. Con của B là M làm tại ủy ban phụ trách việc làm giấy khai sinh cho cá nhân. Do bị sức ép từ B, M kiên quyết yêu cầu A phải khai quốc tịch của E là quốc tịch Mỹ hoặc M sẽ không đồng ý ghi nhận quốc tịch của E là Việt Nam.
Điều 31 BLDS năm 2015 quy định về quyền đối với quốc tịch. Theo đó, trong tình huống trên, E đương nhiên có quyền có quốc tịch. E được sinh ra tại Việt Nam, có mẹ là người mang quốc tịch Việt Nam. Do vậy, đương nhiên, E được quyền xác định quốc tịch của E là quốc tịch Việt Nam. Mọi hành vi cản trở việc ghi nhận quốc tịch của E trái pháp luật đều là sự vi phạm quyền đối với quốc tịch của E.
Tình huống 8: B là một nữ sinh đang theo học năm thứ hai tại Đại học X. Vốn có vẻ ngoài ưa nhìn, B thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa và chụp rất nhiều ảnh với bạn bè hoặc chụp các ảnh cá nhân tại các sự kiện, lễ hội. Những bức ảnh của B được rất nhiều các bạn trai cùng lớp hâm mộ và nhiều bạn đã tự ý sao chép ảnh của B để làm màn hình nền trên máy điện thoại hoặc máy tính cá nhân. D là một trong những bạn trai này. Một lần đến chơi nhà người họ hàng sắp mở Spa đang thiếu ảnh nền để treo quảng cáo tại Spa. D đã khoe ảnh của B và cho người họ hàng này in ảnh của B treo tại Spa để quảng cáo cho dịch vụ làm đẹp tại Spa. B biết được điều này đã yêu cầu tiệm Spa gỡ hết các ảnh của mình xuống vì chưa được sự cho phép của mình. Nếu thực sự muốn giữ lại các bức ảnh thì Spa phải có nghĩa vụ trả tiền cho B khi sử dụng các bức ảnh này. Tiệm Spa cho rằng bức ảnh này của B được tiệm Spa treo là làm nổi tên tuổi của B, đáng nhẽ B phải trả tiền quảng cáo cho tiệm Spa. Do đó, tiệm Spa từ chối trả bất kỳ khoản tiền gì cho B và cũng không chịu gỡ các bức ảnh này xuống.
Điều 32 BLDS năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Theo đó, trong tình huống nêu trên, B hoàn toàn có quyền đối với các hình ảnh của mình. Đối với bất kỳ người nào sử dụng các bức ảnh của B phải được sự đồng ý của B. Việc tiệm Spa sử dụng hình ảnh của B để quảng cáo cho các dịch vụ làm đẹp là việc sử dụng vì mục đích thương mại, do đó, tiệm Spa phải trả thù lao cho B là người có hình ảnh.
Trường hợp những người sử dụng hình ảnh của B và tiệm Spa không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh của B dù đã được B yêu cầu thì B có quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu những chủ thể này chấm dứt các hành vi xâm phạm. Nếu B chứng minh được vì các hành vi này mà B bị thiệt hại thì B còn có quyền yêu cầu các chủ thể này phải bồi thường thiệt hại cho B theo quy định của pháp luật.
Tình huống 9: Trong một năm liên tục, gia đình A phải chăm sóc E là bà nội trong gia đình bị bệnh nặng phải nằm liệt một chỗ. Bà E rất đau đớn vì bệnh tật mang lại. Suốt một năm, bà liên tục phải truyền thuốc, tiêm thuốc, người không hoạt động được, mọi sinh hoạt trong gia đình đều phải nhờ vào con cháu. Quá đau đớn về thể xác, chán nản về tinh thần và rất thương xót con cháu, bà E đã khẩn khoản xin con cháu cho mình được chết nhưng mọi người trong gia đình đều không đồng ý. Một lần, bạn của bà E đến chơi, bà E đã kể toàn bộ nỗi khổ cho bạn mình và có lời “nhờ” khi nào sức khỏe của bà yếu hơn nữa và phải thở bằng oxy thì nhờ bạn đến thuyết phục với gia đình cho bà E được chết, trường hợp gia đình không đồng ý thì bà E xin bạn mình tìm điều kiện để rút ống thở cho mình được chết. Một thời gian ngắn sau sức khỏe của bà E rất yếu, bà E hầu như không còn nhận biết được mọi việc và phải trợ thở bằng oxy. Theo đúng lời dặn dò của bà E, bạn bà đã thuyết phục gia đình A nhưng vẫn không nhận được sự đồng ý của gia đình. Cuối cùng, bạn bà E đã chờ lúc mọi người trong gia đình ra khỏi phòng để tranh thủ rút ống thở theo đúng tâm nguyện của bà E. Tuy nhiên, do để quên đồ nên A quay lại vừa lúc ống thở của bà E bị rút. A làm ầm lên, cắm lại ống thở và đòi đưa bạn bà E lên công an vì có ý định giết bà E. Bạn bà E phản đối và nói rằng chỉ làm theo tâm nguyện của bà E mà thôi.
Điều 33 BLDS năm 2015 quy định về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể. Theo đó, trong tình huống nêu trên, quyền sống của bà E được pháp luật bảo hộ và quyền sống này không thể bị tước đoạt trái pháp luật bởi bất kỳ ai. Do đó, bạn bà E không được phép tự ý tước đoạt quyền được sống của bà E, dù là có được bà E nhắn nhủ trước đó.
Tình huống 10: C là một đầu bếp nổi tiếng tại nhà hàng X. Nhà hàng Y mới mở gần nhà hàng X vì muốn thực hiện việc cạnh tranh không lành mạnh đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trên báo mạng và đưa tin rằng C là người thường xuyên sử dụng các thực phẩm không an toàn trong nấu nướng, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc cho khách hàng đến ăn uống tại nhà hàng. Thông tin được lan truyền nhanh chóng trên mạng khiến cho số lượng khách hàng đến nhà hàng X giảm sút nghiêm trọng. Ngoài ra, tiếng xấu này của C lan đi khắp nơi ảnh hưởng đến công việc cũng như uy tín của C. C đã gặp người của nhà hàng Y đã đưa thông tin này và yêu cầu phải có hành vi xin lỗi và cải chính các thông tin thất thiệt đưa ra nhưng nhà hàng Y không chấp nhận.
Điều 34 BLDS năm 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo đó, trong tình huống trên danh dự, uy tín của đầu bếp C đã bị xâm phạm nghiêm trọng bởi hành vi đưa tin thất thiệt. Theo Điều 34, các thông tin này ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của C được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng phải được gỡ bỏ. Trang báo mạng nào đăng thông tin này cần đăng cải chính công khai đối với các thông tin thất thiệt này.
Ngoài ra, đầu bếp C còn có quyền yêu cầu người đã đưa ra thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của mình thông tin xin lỗi và bồi thường đối với những thiệt hại đã phải gánh chịu liên quan đến các thông tin thất thiệt đó.
Tình huống11: Nguyễn Văn A, 35 tuổi bị TAND tỉnh Y kết án tử hình về hành vi cố ý giết người. Trước ngày thi hành án tử hình, A biết được B (bạn thân của A) đang bị suy thận cấp và cần có thận phù hợp để ghép và tiếp tục sự sống.A bày tỏ mong muốn trước khi chết được hiến thận cho bạn của mình và hiến xác cho y học. Hỏi: A có thể hiến thận cho B và hiến xác cho nền y học nước nhà được không? Tại sao?
Theo quy định của Điều 35, BLDS năm 2015 thì quyền hiến bộ phận cơ thể và hiến xác là quyền nhân thân của A. Nhưng quyền này phải được thực hiện theo các điều kiện và trình tự, thủ tục mà Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định. Theo quy định tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.” Trong các quy định của văn bản này không có quy định cấm tử tù hiến mô, bộ phận cơ thể hay hiến xác sau khi thi hành án tử. Tuy nhiên, việc hiến xác và bộ phận cơ thể của A sau khi chết khó có thể thực hiện được trên thực tế bởi lẽ tử tù sẽ bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ ảnh hưởng đến cơ thể, nội tạng của tử tù.
Tình huống 12: Em Nguyễn Thị Thu M (thị xã Châu Đốc, An Giang), sinh ngày 02/5/2009, được cha mẹ làm giấy khai sinh giới tính là nữ. Vì khi sinh ra thấy bộ phận sinh dục của em M giống của con gái nên khai sinh cho em là giới tính nữ. Bé M được gia đình nuôi nấng như một bé gái, mẹ M thường cho em đeo hoa tai, mặc váy, chơi búp bê… nhưng hình dáng và tính cách bé lại bộc lộ nhiều thiên hướng về giới tính nam. Gia đình có nhiều nghi vấn và đưa em đi xét nghiệm, sau khi có kết quả xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể – Karyotype – em M được chẩn đoán chính xác mắc tật lỗ tiểu thấp thể bìu. Bé có dương vật cong nặng, có hai tinh hoàn, kèm theo chuyển vị dương vật bìu (dương vật nằm thấp hơn bìu).Bác sỹ tiến hành phẫu thuật lỗ tiểu thấp thể bìu. Hỏi: Anh/ Chị hãy xác định hậu quả pháp lý trong tình huống trên sau khi em M đã thực hiện xong quá trình điều trị em là nam hay nữ? Gia đình M phải làm gì để em được sống với giới tính đích thực của mình?
Theo các tình tiết của tình huống đưa ra thì trường hợp em M phù hợp với các quy định của BLDS năm 2015 về trường hợp xác định lại giới tính. Theo quy định tại Điều 36, BLDS năm 2015, em M có quyền xác định lại giới tính của em khi giới tính của em chưa được định hình chính xác và cần có sự can thiệp của y học. Việc xác định lại giới tính của em được pháp luật công nhận khi thực hiện theo các thủ tục pháp luật quy định tại Nghị định số 88/2008/ NĐ – CP về xác định lại giới tính. Trong tình huống này, gia đình đã thực hiện các thủ tục và bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cho em M. V,ì vậy theo quy định của pháp luật, gia đình em có quyền yêu cầu bệnh viện nơi đã thực hiện can thiệp y tế để xác định lại giới tính cho em M cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính cho em theo mẫu của Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau đó, người đại diện hợp pháp của em sử dụng giấy chứng nhận y tế này để làm căn cứ để đăng ký hộ tịch cho M.Thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Sau khi thực hiện xong thủ tục đăng ký hộ tịch em M sẽ được công nhận giới tính đích thực của mình là giới tính nam.
Tình huống 13: A sinh ra với đầy đủ các bộ phận cơ thể và hình dáng bên ngoài là nam, nhưng bên trong con người A lại luôn mong muốn mình có thể là con gái. A nói ý nguyện của mình với bố mẹ và thuyết phục bố mẹ đồng ý cho A sang Thái Lan để thực hiện các cuộc phẫu thuật để chuyển đổi giới tính nhưng bố mẹ A phản đối kịch liệt. Bố A thậm chí còn nhốt A, khóa trái của và bắt A viết cam kết không bao giờ được chuyển đổi giới tính. Mặc dù vậy, khao khát trở thành nữ trong A vẫn rất mãnh liệt. Ngày 1/12/ 2016, A bỏ trốn khỏi nhà và mua vé máy bay sang Thái Lan, sau rất nhiều lần phẫu thuật thành công, A trở về Việt Nam với diện mạo của một cô gái rất xinh đẹp, nhưng giấy tờ của A trước đây đều ghi họ tên của A là Trân Đức A, và giới tính nam, do đó khi qua trạm kiểm soát an ninh hàng không A bị giữ lại, việc di chuyển của A gặp rất nhiều khó khăn do giấy tờ và hình dáng bên ngoài của A không thống nhất. Ngày 15/01 năm 2017, A ra UBND xã nơi cư trú của mình để thực hiện việc đổi tên và thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung về giới tính trong sổ hộ khẩu, giấy khai sinh…Nhưng bố của A biết chuyện đã gây áp lực với cán bộ tư pháp xã. B là cán bộ tư pháp xã khi gặp A đã trả lời với A rằng “trường hợp A tự ý đi phẫu thuật chuyển giới mà không được sự đồng ý của Bố mẹ là trái pháp luật, vì vậy UBND xã không thực hiện việc sửa đổi nội dung về hộ tịch cho A”. Hỏi: Quan điểm của cán bộ tư pháp xã trong tình huống trên đúng hay sai? Tại sao?
Quan điểm của cán bộ tư pháp xã nơi A cư trú trong tình huống trên là hoàn toàn sai. Theo quy định tại Điều 37, BLDS năm 2015, thì A có quyền chuyển đổi giới tính của mình. A đã chuyển đổi giới tính nên A có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Dó đó, bố của A và những người xung quanh phải tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của A không được cản trở, gây khó khăn hay trì hoãn quyền thay đổi các thông tin hộ tịch của A.
Tình huống 14: Năm 1995 A và B kết hôn với nhau có 3 người con chung là C, D, E. Năm 2015, trên đường về nhà sau khi tan ca làm việc, A phát hiện một chiếc làn bọc chăn bên đường có em bé bị bỏ rơi, A mang em bé về nuôi và đặt tên là Q, sau một thời gian A thông báo tới cơ quan chức năng nhưng không có ai tới nhận cháu bé. A muốn nhận Q làm con nuôi nhưng B không đồng ý. Hỏi: A có thể nhận Q làm con nuôi khi vợ không đồng ý được không? Tại sao?
Theo quy định tại Điều 39, BLDS năm 2015, thì trong quan hệ hôn nhân, gia đình, cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được làm con nuôi và quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác. Do đó, A có thể được thực hiện quyền nuôi con nuôi của mình theo quy định của BLDS năm 2015 và Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Đối chiếu với các quy định về điều kiện nhận nuôi con nuôi và các trường hợp không được nhận nuôi con nuôi tại Điều 14, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì A không thuộc các trường hợp pháp luật cấm nhận con nuôi. Tuy nhiên tại khoản 3, Điều 8, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định Q chỉ có thể trở thành con nuôi: “của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.” Do đó, anh A trong trường hợp này chỉ có thể nhận Q làm con nuôi nếu anh thực hiện quyền ly hôn với chị B hoặc cố gắng thuyết phục chị B cùng nhận nuôi cháu Q.
Tình huống 15: Ngày 17/01/2017, A là sinh viên trường đại học Luật Hà Nội đến trung tâm điện máy Nguyễn Kim trên đường Nguyễn Chí Thanh mua 1 chiếc lò vi sóng trị giá 2 triệu đồng, A thanh toán tiền cho nhân viên bán hàng và yêu cầu nhân viên giao tài sản vào ngày 19/01/2017 nhưng không nói rõ địa điểm vận chuyển. Căn cứ vào các thông tin về địa chỉ A ghi trên phiếu mua hàng nhân viên vận chuyển của Trung Tâm Nguyễn Kim đã vận chuyển chiếc Lò vi sóng đến cổng trường đại học Luật Hà Nội. Khi đến nơi, nhân viên vận chuyển gọi cho A nhưng A không ra nhận vì A cho rằng pháp luật dân sự Việt Nam quy định trong trường hợp không thỏa thuận về địa điểm thực hiện nghĩa vụ thì bên bán phải vận chuyển tài sản đến nơi cư trú của A, trụ sở của trường Đại học Luật Hà Nội không phải nơi cư trú của A. Hỏi: Nhận định của A đúng hay sai? Tại sao?Giải quyết tình huống trên?
Nhận định của A trong trường hợp này hoàn toàn chính xác. Địa chỉ trường Đại học Luật Hà Nội chỉ là nơi A đang theo học không phải là nơi A thường xuyên sinh sống, cũng không phải nơi A đang sinh sống theo quy định tại Điều 40, BLDS năm 2015.
Giải quyết tình huống trên: Theo quy định tại khoản 2, Điều 277, BLDS năm 2015 thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ giao hàng của bên bán là tại nơi cư trú của A. Do đó, trung tâm điện máy Nguyên Kim phải xác định được nơi A thường xuyên sinh sống, tuy nhiên trong trường hợp này, A có nghĩa vụ phải cung cấp nơi cư trú của mình cho bên bán để bên bán giao tài sản.
Tình huống 16: A (16 tuổi) bố mẹ của A đã ly hôn, theo quyết định của Tòa án, A sống với mẹ tại xã X huyện Y tỉnh Nam Định. Nhưng A lại thích sống với bố và thường xuyên ở với bố trong một khoảng thời gian dài. Bố của A cư trú tại xã N huyện M tỉnh Ninh Bình. Ngày 06/01/ 2017, A đánh bạn và gây thương tích cho bạn học cùng lớp là C khiến C bị thương tật suy giảm 12 % sức khỏe, bố mẹ C muốn kiện A thì phải nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi A cư trú. Hỏi: Trong tình huống trên nơi cư trú của A là nơi nào? Tại sao?
Theo quy định tại Điều 41 BLDS năm 2015, vì A 16 tuổi, A là người chưa thành niên nên nơi cư trú của A là nơi cư trú của cha, mẹ A. Nhưng trong tình huống này cha, mẹ của A đã ly hôn nên có nơi cư trú khác nhau, theo quyết định của Tòa án, A ở với mẹ tại xã X huyện Y tỉnh Nam Định. Mặc dù A thường xuyên sống với bố tại xã N huyện M tỉnh Ninh Bình, nhưng không có thủ tục đăng ký thường trú tại nơi cư trú của bố, do đó nơi cư trú của A vẫn được xác định theo nơi cư trú của mẹ. Căn cứ quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, bố mẹ C có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện huyện Y tỉnh Nam Định.
Tình huống 17: A bị Tòa án nhân dân huyện TD tỉnh Hưng Yên tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Anh A có vợ là B và có bố mẹ anh A là hai cụ C, D, hai cụ đã già và không có thu nhập ổn định, hàng tháng phải trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi. Tuy nhiên, do bệnh của anh A rất nặng, anh thường xuyên la hét và đập phá đồ đạc trong nhà, quá sức kiểm soát gia đình, mọi người đều nhất trí gửi anh A đến trại tâm thần huyện Y tỉnh Hưng Yên cách nhà 100 km để anh A được điều trị bởi các bác sỹ có kinh nghiệm và chuyên môn. Ngày 01/03/2017, vì bệnh tái phát anh A cắn lưỡi chết, các bác sỹ không biết phải gửi giấy báo tử về đâu vì bố mẹ anh A ở xã TS huyện M, còn chị B cư trú tại xã YN huyện TD nơi vợ chồng anh A trước đây ở; anh A chết ở bệnh viện có trụ sở tại xã MB tại huyện Y. Hỏi: Hãy xác định nơi cư trú của anh A trong tình huống trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục khai tử cho anh A ?
Nơi cư trú của anh A là nơi cư trú của chị B tại xã YN huyện TD tỉnh Hưng Yên. Vì: Anh A là người bị Toà án tuyên mất năng lực hành vi dân sự, vợ của anh A là chị B sẽ là người giám hộ đương nhiên của anh A theo quy định tại Khoản 1, Điều 53, BLDS năm 2015. Theo quy định tại Điều 42, BLDS năm 2015 nơi cư trú của anh A (người được giám hộ) là nơi cư trú của chị B (người giám hộ). Theo Điều 32 Luật hộ tịch 2014 thì cơ quan có thẩm quyền khai tử quy định như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử”. Như vậy, UBND xã YN là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục khai tử cho anh.
Tình huống 18:A và B là vợ chồng, cả hai đều là bộ đội và đang đóng quân tại Thị xã Tam Điệp, tỉnh ninh Bình. Anh A quê ở Nghệ An, còn chị B quê ở Thanh Hóa. Khi chị B sinh con chị về Thanh Hóa để sinh, nhưng khi hai vợ chồng chị đi đăng ký khai sinh thì cán bộ hộ tịch từ chối đăng ký khai sinh cho cháu bé với lý do Chị B và anh A đều đã cắt hộ khẩu không cư trú tại Thanh Hóa hay Nghệ An.Và hướng dẫn anh chị đến nơi cư trú của cha hoặc mẹ để đăng ký khai sinh cho cháu bé. Hỏi: Nơi cư trú của anh A và chị B ở đâu? Anh Chị có thể đăng ký khai sinh cho con mình tại đâu?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 44, BLDS năm 2015 và điều 16, Luật Cư trú thì nơi cư trú của anh A , chị B – cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân được xác định là nơi đơn vị của anh A, chị B đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định của luật. Và theo quy định tại Điều 13, Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.” Như vậy, theo quy định trên, thì vợ chồng anh A có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đơn vị của anh A hoặc chị B đóng quân.
Tình huống 19: Ngày 03/01/ 2017 M và N là đều mất do tai nạn giao thông trên đường đi làm về. M và N có hai con là A (17 tuổi) và B (6 tuổi). Kể từ năm 15 tuổi A đã bắt đầu hoạt động kinh doanh bán hàng online trên mạng và có thể tự đóng học phí cho mình, doanh thu của hoạt động kinh doanh mang lại cho A 3 triệu/ 1 tháng. Khi bố mẹ A chết, có để lại cho chị em của A số tiền là 200 triệu, A muốn tự tay mình nuôi em trai khôn lớn nên ra UBND xã X nơi cư trú của A để thực hiện việc đăng ký làm người giám hộ đương nhiên cho B đến khi B tròn 18 tuổi. Hỏi: Trong tình huống trên A có thể là người giám hộ đương nhiên của em trai mình không? Tại sao?
Trong tình huống này A không thể trở thành người giám hộ đương nhiên cho em trai mình được vì A không thỏa mãn điều kiện của cá nhân làm người giám hộ được quy định tại điều 49, BLDS năm 2015. Theo đó, A chỉ có thể trở thành người giám hộ của B khi:
– A có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– A có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– A không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
– A không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Tuy nhiên, A mới chỉ mới 17 tuổi, A chưa thành niên nên A phải là người có năng lực hành vi dân sự nên không đủ điều kiện để trở thành người giám hộ cho B.
Tình huống 20: Câu lạc bộ tình nguyện do A khởi xướng mang tên TÌNH THƯƠNG đã thành lập được 06 năm và hoạt động ổn định. Hàng năm, câu lạc bộ của A vẫn nhận được sự tài trợ, đóng góp của ba công ty cổ phần sản xuất bánh kẹo trên địa bàn A cư trú, số tiền và hiện vật ước tính lên tới 20 triệu/ tháng. Trong một chuyến đi tình nguyện tại tỉnh Hà Giang, câu lạc bộ tình nguyện của A phát hiện hoàn cảnh đặc biệt của em B cha mất sớm, mẹ bỏ đi; ông bà nội ngoại đều đã già yếu và hầu như không có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống. Các bạn trẻ trong câu lạc bộ đều rất thương B và muốn tìm cho em một người giám hộ, tuy nhiên cuộc sống của những người dân nơi cư trú của em B rất khó khăn vì vậy không ai tự nguyện là người giám hộ cho em. Cuối cùng, các thành viên của Câu lạc bộ quyết định sẽ là người giám hộ cử cho em B. Hỏi: ý định của các thành viên câu lạc bộ TÌNH THƯƠNG có thực hiện được không? Tại sao?
Trong tình huống này câu lạc bộ TÌNH THƯƠNG không thể trở thành người giám hộ cử cho em B được vì câu lạc bộ này không có tư cách pháp nhân, chỉ là tổ chức được thành lập với mục đích hoạt động thiện nguyện, nguồn tài chính hoạt động hoàn toàn phụ thuộc vào sự đóng góp của 3 công ty nhưng cũng không có cơ sở để xác định sự tài trợ đó là kéo dài và bền vững. Hơn nữa, ngay cả khi có tư cách pháp nhân thì điều kiện pháp nhân làm người giám hộ vẫn phải tuân thủ theo các quy định:
– Pháp nhân đó phải có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
– Pháp nhân đó phải có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Tình huống 21: Gia đình Nguyễn Văn A (sinh năm 1996) và Nguyễn Thị B (sinh năm 2004) bao gồm 4 người: bố, mẹ và hai anh em A, B. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, A đi làm công nhân ở nhà máy da giày cách nhà 20km Năm 2015, bố mẹ của A và B đã qua đời trong một vụ tai nạn. Nhà A và B ở gần ông bà nội nên sau cái chết của bố mẹ, hai anh em về ở với ông bà để tiện cho việc đi học của B khi A đi làm xa. Hỏi Nguyễn Thị B mới 12 tuổi có cần người giám hộ không và ai sẽ là người giám hộ cho B?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 BLDS năm 2015 thì: “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”. Trong tình huống này, B là người chưa thành niên (11 tuổi) khi bố mẹ B chết, vì vậy đòi hỏi phải có người giám hộ cho B ( theo Điểm a Khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015).
Dựa trên tình huống trên thì: B có một người anh ruột là Nguyễn Văn A đã 19 tuổi và hiện đang đi làm công nhân ở nhà máy da giày. Do đó đáp ứng được các điều kiện của cá nhân làm người giám hộ theo quy định tại Điều 49 BLDS năm 2015. Vì vậy A sẽ là người giám hộ đương nhiên cho Nguyễn Thị B theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, nếu A không đủ điều kiện làm người giám hộ cho B thì theo Khoản 2 Điều 52 BLDS năm 2015 thì ông nội, bà nội là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc cả hai làm người giám hộ cho B theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 BLDS năm 2015.
Tình huống 22: Năm 1995, Nguyễn Văn A và Lê Thị B kết hôn với nhau, họ có hai người con là Nguyễn Thị C (sinh 1996) và Nguyễn Văn D ( sinh 2000). Đến năm 2015, do bị bệnh nặng, B dần dần không nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Đến năm 2016, theo yêu cầu của chồng là Nguyễn Văn A thì B được tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự. Hiện bố mẹ B rất muốn đón con gái về nhà mình cho tiện việc chăm sóc con vì A thường xuyên đánh đập B. Vậy bố mẹ B có là người giám hộ cho B được hay không?
Dựa trên tình huống trên thì B là người mất năng lực hành vi dân sự, do đó B cần có người giám hộ cho mình theo quy định tại Điều 53 BLDS năm 2015.
Vì B không lựa chọn người giám hộ cho mình khi còn ở tình trạng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo Khoản 2 Điều 48 BLDS năm 2015 nên người giám hộ đương nhiên cho B trong tình huống này là chồng B là anh A. Tuy nhiên, anh A thường xuyên đánh đập vợ nên không đáp ứng được các điều kiện của cá nhân làm người giám hộ theo quy định tại Điều 49 BLDS năm 2015. Vì vậy, A không được thừa nhận là người giám hộ đương nhiên cho B.
Mặc dù bố mẹ B muốn đón con gái về chăm sóc và làm người giám hộ đương nhiên cho con nhưng vì con của B là Nguyễn Thị C đã đủ tuổi thành niên. Nếu C có đủ điều kiện làm người giám hộ cho mẹ mình là chị B thì C sẽ là người giám hộ cho B (theo Khoản 2 Điều 53 BLDS năm 2015). Trong trường hợp C không đủ điều kiện là người giám hộ thì bố, mẹ B là người giám hộ cho B theo quy định tại Khoản 3 Điều 53 BLDS năm 2015.
Tình huống 23. Nguyễn Văn A là chủ một nhà hàng hải sản rất nổi tiếng ở phường X thuộc thành phố Y. Nhờ chịu khó học hỏi và chăm chỉ mà A cùng với vợ là chị B đã gây dựng thêm được hệ thống nhà hàng ăn uống ở phường X. Tuy nhiên vợ chồng A, B lại khó khăn trong việc sinh con nên sau 10 năm kết hôn, họ quyết định nhận cháu Nguyễn Văn C (sinh năm 2001 làm con nuôi. Đến năm 2015, trong một lần tai nạn giao thông, A bị rơi vào hoàn cảnh không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi còn B thì mất luôn sau đó. Do khối tài sản mà vợ chồng A, B gây dựng lên rất lớn nên trong gia đình A, mọi người đều muốn mình là người giám hộ cho A để hòng chuộc lợi cho bản thân, kết quả là con trai nuôi của AB và anh chị em của A đều nhận mình là người chăm sóc cho A. Theo anh chị, trong trường hợp này thì giải quyết như thế nào?
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015 thì A là người mất năng lực hành vi dân sự, do đó A là trường hợp cần có người giám hộ. Việc giám hộ cho A theo quy định tại Điều 53 BLDS năm 2015 về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, theo đó: Người giám hộ đương nhiên của A lần lượt là : vợ của A là chị B ( tuy nhiên chị B lại đã chết ngay sau đó); con của AB ( tuy nhiên C mới 15 tuổi chưa đủ điều kiện là người giám hộ cho cha mình); bố mẹ của A (tuy nhiên bố mẹ A không còn nữa). Vì vậy theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 BLDS năm 2015 thì do không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 53 BLDS năm 2015 nên Ủy ban nhân dân phường X nơi cư trú của A có trách nhiệm cử người giám hộ.
Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 54 BLDS năm 2015 thì việc cử người giám hộ phải có sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền và nghĩa vụ của thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
Tình huống 24. Cháu Nguyễn Văn A (sinh năm 2005) mồ côi bố mẹ từ nhỏ nên A ở với gia đình chú ruột là Nguyễn Văn B (sinh năm 1972). Do điều kiện công việc nên năm 2015, gia đình của B phải rời Việt Nam sang Đức sống lâu dài, tuy nhiên B không đưa được A theo cùng mình. Vì vậy, B đã đề nghị C (sinh năm 1975) là cô ruột của A làm người giám hộ cho A và C đồng ý. Hỏi trong trường hợp này có thể thay đổi người giám hộ cho A được không?
Nguyễn Văn A (sinh năm 2005) là người chưa thành niên do đó đòi hỏi phải có người giám hộ theo quy định tại Điều 47 BLDS năm 2015. B là chú ruột của A vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục làm người giám hộ cho A (gia đình sang Đức sống lâu dài). Trong trường hợp này, B đề nghị được thay đổi và C (sinh năm 1975) là cô ruột nhận làm giám hộ cho A (theo điểm d khoản 1 Điều 60 BLDS năm 2015) nên có thể thay đổi người giám hộ.
Thủ tục thay đổi người giám hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Khi thay người giám hộ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày C là người giám hộ mới, B đã thực hiên việc giám hộ phải chuyển giao giám hộ cho C là người thay thế mình.Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Cơ quan cử, chỉ định người giám hộ lập biên bản, ghi rõ tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của ngườ dược giám hộ,quyền , nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ để chuyển giao cho người giám hộ mới với sự chứng kiến của người giám sát việc giám hộ.
Tình huống 25: Cháu Nguyễn Thị A (sinh năm 2006) mồ côi mẹ từ khi 2 tuổi, sống với bố là anh Nguyễn Văn B (sinh năm 1975). Năm 2010, sau một trận ốm, anh B đột nhiên không nhận thức và làm chủ hành vi của mình và theo yêu cầu của gia đình, tòa án tuyên bố B bị mất năng lực hành vi dân sự. Vì A còn nhỏ và bệnh tình của B cần có người chăm sóc nên hai bố con A về ở với ông bà nội của A. Đến năm 2015, sau một thời gian dài điều trị tích cực, B dần khôi phục lại tình trạng sức khỏe của mình và có kết quả của bệnh viện xác nhận B đã hoàn toàn nhận thức và làm chủ được hành vi của mình như trước đây. Hỏi trong tình huống này, ông bà nội của A có tiếp tục là người giám hộ cho A và anh B không?
Năm 2010, B mất năng lực hành vi dân sự và A vẫn là người chưa thành niên nên đòi hỏi phải có người giám hộ. Trong tình huống này thì ông bà nội của A là người giám hộ cho A và anh B. Năm 2015, sau thời gian điều trị, B đã hoàn toàn khôi phục lại tình trạng ban đầu: nhận thức và làm chủ được hành vi. Vì vậy theo yêu cầu của B hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định tại điểm a và c khoản 1 Điều 62 BLDS năm 2015 thì việc giám hộ chấm dứt trong trường hợp: “Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”; “Cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình” nên ông bà nội của A không còn là người giám hộ cho con mình là anh B, đồng thời khi anh B có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thì ông bà nội của A không là người giám hộ cho A.
Tình huống 26. Ngày 15 tháng 6 năm 2013, đoàn tàu đánh cá của ngư dân vùng biển Quảng Bình mà Nguyễn Văn A là một thành viên, gồm 5 tàu bị gặp bão to khi đang đánh cá trên vùng biển xa đất liền. Sau khi bão tan, có 3 tàu trở về được đất liền. hai tàu còn lại không liên lạc được. Tháng 9 năm 2013, nhờ sự giúp đỡ của tàu thuyền Philipin, gia đình của các ngư dân đã có thông tin của các thành viên trên 1 tàu còn lại, tuy nhiên tàu mà A tham gia lại không có thông tin gì. Trong suốt thời gian đó đến nay, mặc dù gia đình tìm mọi cách nhưng đều không có thông tin của A. Đến tháng 9 năm 2016, do có tranh chấp về tài sản với anh chị em của A nên vợ của A là chị Lê Thị B muốn tuyên bố chồng mất tích để đảm bảo quyền lợi của chồng. Hỏi trong trường hợp này, chị B có thể yêu cầu thực hiện việc tuyên bố mất tích với chồng mình được không?
Theo quy định tài Điều 68 BLDS năm 2015 về tuyên bố mất tích thì: một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan thì Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Dựa trên tình huống trên có thể thấy, tin tức cuối cùng mà gia đình A có được về A là ngày 15 tháng 6 năm 2013; đến tháng 9 năm 2016, đã hơn 2 năm A biệt tích không có thông tin gì. Do đó theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 BLDS năm 2015 thì chị B có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích với chồng mình. Quyết định của Tòa án tuyên bố A mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của A để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Tình huống 27. Anh A làm thủy thủ cho một công ty hàng hải X. Vài năm trước, tàu của anh A làm việc gặp sự cố anh A cùng 3 đồng nghiệp của mình bị mất tích ( công ty X cử người tìm kiếm quanh khu vực tàu gặp sự cố nhưng không tìm thấy xác cũng như không có tin tức chứng minh anh A cùng đồng nghiệp còn sống ). Hiện nay, người thân của anh A yêu cầu tòa án tuyên bố anh A chết nhằm thực hiện việc phân chia tài sản. Xin hỏi: yêu cầu của gia đình anh A là đúng hay sai?
Trước tiên phải xác định được thời gian anh A đã mất tích một cách cụ thể.
– Trường hợp anh A mất tích từ 5 năm trở lên hoặc đã được tòa án tuyên bố mất tích từ 3 năm trở lên mà không có tin tức anh A còn sống hay đã chết thì theo quy định tại điểm a, d khoản 1 Điều 71 BLDS năm 2015, yêu cầu của gia đình anh A là hợp lý. Và sau khi tòa án tuyên bố anh A đã chết theo thủ tục luật định thì gia đình anh A có thể tiến hành việc phân chia tài sản theo quy định về thừa kế của pháp luật.
– Trường hợp anh A mất tích dưới 5 năm:
+ Nếu anh A mất tích trên 2 năm và dưới 5 năm, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp tìm kiếm nhưng vẫn không có tin tức thì gia đình anh A có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố anh A mất tích. Thời hạn 2 năm này được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. (theo quy định tại khoản 1 Điều 68 BLDS năm 2015 ). Tài sản của anh A được phân cho người khác quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích.
+ Nếu anh A mất tích dưới 2 năm thì anh A thuộc đối tượng vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại Điều 64 BLDS năm 2015.
Vì vậy nếu thời gian anh A mất tích thuộc một trong hai trường hợp trên (mất tích dưới 5 năm thì yêu cầu của gia đình anh A là sai quy định của pháp luật.
Tình huống 28: Với mục đích hướng đến thị trường không chỉ trong nước mà quốc tế nên khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên về chế biến hải sản nên A đã lấy tên gọi của doanh nghiệp là EU SEAFOOD. Tuy nhiên khi đi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp của A không được chấp nhận tên gọi đó. Hỏi vì sao tên gọi doanh nghiệp của A lại không được chấp nhận?
Cũng như đối với cá nhân, mỗi pháp nhân phải có tên gọi riêng. Tên gọi của pháp nhân được hình thành ngay từ khi pháp nhân được thành lập nhằm xác định năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của pháp nhân. Pháp nhân dùng tên gọi riêng của mình để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác và trong nhiều trường hợp tên gọi của pháp nhân thể hiện uy tín của pháp nhân và quyết định lợi thế của pháp nhân trong các giao dịch dân sự so với các pháp nhân khác.
Theo khoản 1 Điều 78 BLDS năm 2015, tên gọi của pháp nhân phải đáp ứng ba điều kiện: thể hiện bằng tiếng Việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân, phân biệt với pháp nhân khác trong cùng lĩnh vực hoạt động. Vì vậy, với tên gọi EU SEAFOOD chưa thỏa mãn được các điều kiện trên, do đó doanh nghiệp mà A đăng ký kinh doanh không được thừa nhận tên gọi này.
Tình huống 29: Năm 2005, khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn X, hai anh Nguyễn Văn A và Lê Văn B đã huy động mỗi người 5 tỷ đồng cùng với đóng góp của các thành viên khác trong công ty trị giá 5 tỷ đồng. Sau 5 năm hoạt động, công ty đã thu được thêm 20 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên đến cuối năm 2010, do xảy ra mâu thuẫn, A và B không muốn hợp tác kinh doanh với nhau nữa nên B quyết định rút số tiền mình có được trong công ty. Hỏi số tài sản mà công ty trách nhiệm hữu hạn X có bao gồm những khoản nào để từ đó có thể xác định giá trị tài sản của B trong công ty ( tính đến năm 2010)
Theo quy định tại Điều 81 BLDS năm 2015 về tài sản của pháp nhân thì : tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khá mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan. Do vậy, số tài sản mà công ty X có bao gồm tiền đóng góp của A, B và các thành viên khác của công ty, ngoài ra tài sản của công ty còn là lợi nhuận mà công ty thu được trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến năm 2010 thì số tài sản mà công ty có là 35 tỷ đồng.
Tình huống 30. A là một người thích sưu tập đồ cổ, trong bộ sưu tập của mình, A thích nhất bộ sưu tập tiền cổ. Biết B là một người đang có một vài đồng tiền cổ rất quý, A ngỏ lời mua lại số tiền cổ đó và được B chấp nhận bán. Khi A đã thanh toán cho B ½ số tiền để mua tiền cổ thì B lại từ chối giao tiền cổ. Trong trường hợp này B được coi là vi phạm nghĩa vụ giao tiền không? Và tiền cổ là loại tài sản nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
Theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, trong đó tiền được hiểu là loại tài sản đặc biệt do Nhà nước phát hành, có khả năng thanh toán và trao đổi với ba chức năng: công cụ thanh toán, công cụ tích lũy tài sản và công cụ định giá các loại tài sản khác. Ngoài ra tiền được xác định theo mệnh giá của đồng tiền đó và Nhà nước có quyền tiêu hủy tiền. Tuy nhiên tiền cổ thì dù tên gọi là tiền nhưng không còn mang đầy đủ ba chức năng nêu trên, vì vậy tiền cổ được ghi nhận là vật trong số các tài sản quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015. Trong tình huống này, B được coi là vi phạm nghĩa vụ giao vật đối với A.
Tình huống 31: Anh Nguyễn Văn A và chị Đào Thị B là vợ chồng. Anh A là người gốc Việt Nam, có quốc tịch Canada, chị B có quốc tịch Việt Nam. Vợ chồng anh A và chị B có một con trai là cháu Nguyễn Tiến C. C được sinh ra tại Canada nên cũng có quốc tịch Canada theo quy định pháp luật về quốc tịch tại nước này. Khi cháu C được 6 tuổi, gia đình anh A muốn về Việt Nam sinh sống và làm việc, đồng thời để thuận lợi cho C được theo học tại Việt Nam từ cấp tiểu học. Anh A muốn xin trở lại quốc tịch quốc tịch Việt Nam và làm thủ tục cho cháu C được thay đổi quốc tịch để thuận lợi cho những hoạt động học tập và làm việc sau này. Hỏi anh A đã xin thôi quốc tịch Việt Nam thì có quyền được trở lại quốc tịch Việt Nam hay không?
BLDS năm 2015 quy định một trong những quyền nhân thân của cá nhân là Quyền đối với quốc tịch. Tất cả các cá nhân đều có quyền có quốc tịch – đây là một trong những nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, và không ai có thể hạn chế quyền này (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Có thể khẳng định, anh A hoàn toàn có quyền có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam nếu như đảm bảo đầy đủ những điều kiện để có thể được trở lại quốc tịch theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tạo mọi điều kiện để cá nhân được thực hiện quyền của mình. Những trường hợp cụ thể công dân được xin trở lại quốc tịch Việt Nam, hồ sơ xin trở lại quốc tịch và trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch được thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 24, Điều 25 Luật Quốc tịch năm 2008.
Tình huống 32: Trương Minh A là ca sĩ đang nổi tiếng hàng đầu trong làng giải trí Việt Nam. Ngày 01/02/2017, A đi dự hội thảo về chăm sóc sắc đẹp do hãng mỹ phẩm Z tổ chức. Việc sử dụng hình ảnh của A trong những trường hợp sau đây có vi phạm quy định của pháp luật không:
- Phóng viên tại buổi hội thảo viết bài và đăng ảnh chụp buổi hội thảo với hình ảnh khách mời và hình ảnh A đang phát biểu với tư cách khách mời danh dự?
- Nhân viên phòng marketing công ty Z đăng ảnh trên trang web của công ty với mục đích thu hút sự chú ý và sự tin tưởng của khách hàng, nhằm giúp công ty tăng thu nhập và lợi nhuận?
Mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Về nguyên tắc, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân luôn cần có sự đồng ý của cá nhân đó.
- Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh, một trong những trường hợp đó là trường hợp sử dụng những hình ảnh là tư liệu, tài liệu từ các buổi hội nghị, hội thảo, cuộc biểu diễn các hoạt động nghệ thuật, giải trí, hoặc một số hoạt động công cộng khác. Do đó, mặc dù phóng viên đăng ảnh có mặt ca sĩ A và không hỏi ý kiến của A nhưng hành vi này không được xem là vi phạm pháp luật.
- Khi nhân viên marketing công ty Z đăng tải hình ảnh của A với mục đích sử dụng hình ảnh này để làm tăng sự chú ý của công chúng, giúp công chúng tin tưởng và từ đó gia tăng doanh thu cho công ty thì việc sử dụng hình ảnh này có thể coi là sử dụng hình ảnh vì mục đích thương mại. Trong trường hợp này, nhân viên công ty Z phải hỏi ý kiến của A và được sự đồng ý của A về việc có được sử dụng hình ảnh của mình hay không. Trường hợp được A đồng ý thì công ty Z phải trả thù lao cho A (trừ trường hợp hại bên có thỏa thuận khác). Trường hợp A không đồng ý thì việc sử dụng hình ảnh này là vi phạm quy định của pháp luật. A có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định để buộc công ty Z phải chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của mình và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được có thiệt hại xảy ra từ việc đăng tải ảnh không xin phép của công ty Z.
Tình huống 33: Trên đường đi giao hàng cho khách hàng, anh Nguyễn Đức C gặp tai nạn giao thông dẫn đến bất tỉnh và mất rất nhiều máu. Vì cho rằng anh C đã đi sai làn đường, mình không có lỗi trong việc gây tai nạn cho anh C nên người lái taxi đã không đưa anh C đến bệnh viện mà giữ nguyên hiện trường để đợi người nhà anh C đến bồi thường thiệt hại. Hãy giải quyết tình huống trong các trường hợp sau đây:
- Do không được đưa đến bệnh viện kịp thời nên anh C đã tử vong;
- Anh C được người đi đường đưa đến bệnh viện trong tình trạng cánh tay bị gãy và nát toàn bộ phần mềm. Khi siêu âm, hình ảnh siêu âm cho thấy xương cánh tay của C bị vỡ và dập rất nặng. Các bác sĩ hội chẩn và đưa ra kết luận phải mổ gấp cho anh C.
- Anh C trong tình trạng rất nguy kịch do có máu tụ trong não, cần phẫu thuật nhưng người nhà của anh C ở quá xa nên chưa thể đến bệnh viện kịp thời.
BLDS năm 2015 quy định cá nhân có quyền sống, có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, thân thể. Khi một người phát hiện người bị tai nạn hoặc bị bệnh tật mà dẫn đến tình trạng tính mạng bị đe dọa thì cần có trách nhiệm đưa ngay người đó đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được cứu chữa một cách kịp thời. Nếu người phát hiện không có khả năng hay điều kiện để thực hiện việc đưa người bị tai nạn đi cấp cứu thì cần yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có điều kiện cần thiết đưa ngay người đang bị đe dọa về tính mạng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chăm sóc kịp thời. Đây được dự liệu là một trong những trách nhiệm của cá nhân, công dân đối với cá nhâ, công dân khác trong xã hội. Trong trường hợp này, người lái xe taxi dù thấy tình thế rất nguy hiểm, rất cấp bách, nhưng đã không thực hiện trách nhiệm của mình, dẫn đến anh C bị tử vong. Hành vi này của người lái taxi có thể bị xử lý hình sự về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 122 BLHS năm 1999).
Trong trường hợp anh C cần phải mổ gấp theo kết luận hội chẩn của các bác sĩ thì về nguyên tắc trước khi thực hiện việc này cần phải hỏi ý kiến và có sự đồng ý của anh C. Do mất quá nhiều máu và anh C đã bất tỉnh nên không thể thực hiện được việc lấy ý kiến đồng ý của anh C, khi đó để thực hiện được ca phẫu thuật thì bệnh viện phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ hoặc con đã thành niên của anh C. Nếu không được sự đồng ý của những người này thì ca mổ sẽ không được tiến hành.
Trong trường hợp anh C đang lâm vào tình trạng rất nguy kịch, máu tụ trong não có thể gây đe dọa đến tính mạng mà người nhà anh C chưa thể đến bệnh viện kịp thời để kí vào biên bản cam đoan thì để bảo đảm an toàn cho tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật ngay nhưng cần phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở y tế nơi thực hiện việc phẫu thuật.
Tình huống 34. Trên trang facebook mang tên QSĐ HIT đã đăng tải những thông tin về chị A với nội dung chị A là người phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác, kèm theo đó là những bức ảnh không lành mạnh. Hãy đưa ra hướng giải quyết trong các trường hợp chị A do chịu áp lực nặng nề của dư luận nên đã tự tử để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Chị A để lại bức thư với nội dung thể hiện nguyện vọng của chị về việc tiếp tục được làm sáng tỏ vụ việc để lấy lại danh dự cho bản thân và gia đình. Cha mẹ chị A có thể thực hiện được nguyện vọng của chị hay không?
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những quyền nhân thân của cá nhân được tôn trọng. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ những thông tin làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Trong trường hợp xác định được chủ thể đã đăng thông tin là ai, chị A hoàn toàn có quyền kiện ra Tòa về hành vi của chủ thể này. Người đã đăng thông tin cần gỡ bỏ, cải chính lại ngay những thông tin đó, đồng thời chị A có quyền yêu cầu người này đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại
Việc đưa thông tin xấu dẫn đến chị A phải tự tử thì cha, mẹ của chị A vẫn hoàn toàn có thể có quyền yêu cầu tiếp tục điều tra vụ việc để lấy lại danh dự, nhân phẩm cho con của mình. Pháp luật dân sự bảo vệ một cách tuyệt đối danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân – ngay cả khi người này đã chết (thông qua sự yêu cầu của những người thân thích của họ).
Tình huống 35. Anh Nguyễn Hữu T bị mắc bệnh tim bẩm sinh và phải điều trị bệnh của mình rất tốn kém. Khi hoàn cảnh gia đình trở nên quá khó khăn, anh T không thể tiếp tục điều trị dẫn đến bệnh tiến triển ngày một nặng hơn. Anh T có nguyện vọng sau khi chết sẽ hiến tim và gan của mình cho y học để cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn. Theo quy định của pháp luật, anh T có thể thực hiện được nguyện vọng của mình hay không?
BLDS năm 2015 quy định quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là một trong những quyền nhân thân của cá nhân. Cá nhân hoàn toàn có thể thực hiện quyền của mình phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết hoàn toàn có thể được thực hiện nếu như mục đích của việc hiến nhằm chữa bệnh cho người khác, nghiên cứu y học, dược học hoặc các nghiên cứu khoa học khác, mà không vì mục đích thương mại. Những quy định cụ thể về việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được quy định cụ thể tại Luật hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
Tình huống 36. Trần Ngọc M sinh ra có bộ phận sinh dục ngoài được xác định là nữ. Cha mẹ M đã đăng ký khai sinh cho M giới tính nữ. Từ nhỏ, M đã rất hiếu động và luôn thích mặc đồ của con trai, cắt tóc con trai. Sau một lần đau bụng và đến siêu âm tại bệnh viên, M được các bác sĩ xác định có 2 tinh hoàn nằm sai vị trí trong ổ bụng. Hoocmon trong cơ thể M được xác định là testosteron. M có quyền được phẫu thuật để thay đổi bộ phận sinh dục đúng với giới tính của mình và được thay đổi những thông tin về hộ tịch trong giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân khác không?
Khi cá nhân có những khuyết tật bẩm sinh về giới tính (cụ thể như ở tình huống trên là M vừa có cơ quan sinh dục ngoài của nữ, nhưng lại có tinh hoàn trong ổ bụng và hoocmon nam rất phát triển) có quyền xác định lại giới tính để phù hợp với giới tính thực của mình. Quyền xác định lại giới tính cũng là một quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Những quy định cụ thể về xác định lại giới tính được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính Phủ về xác định lại giới tính.
Khi M được phẫu thuật bộ phận sinh dục ngoài phù hợp với giới tính tự nhiên của mình thì M hoàn toàn có quyền đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch để thuận lợi cho hoạt động học tập và làm việc sau này. M có những quyền nhân thân phù hợp với giới tính thực tế sau khi đã được xác định lai giới tính (giới tính nam) theo quy định của pháp luật.
Tình huống 37. Chị Nguyễn Thúy K có làn da trắng, khuôn mặt đầy đặn và các bộ phận trên cơ thể đều được xác định theo giới tính sinh học là nữ giới. Tuy nhiên, K không bị hấp dẫn bởi những bạn khác giới mà xu hướng tính dục luôn bị hấp dẫn bởi những bạn nữ. K có tình cảm rất mạnh mẽ với một bạn nữ học cùng lớp. Hiện tại K đã đủ 18 tuổi và có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình. A có nhu cầu được phẫu thuật chuyển đổi giới tính để sống đúng với con người hiện tại. Theo quy định của pháp luật, A có quyền được chuyển đổi giới tính không?
Quyền chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân hoàn toàn mới của cá nhân được ghi nhận tại BLDS năm 2015. Theo đó, cá nhân có quyền được chuyển đổi giới tính nếu đảm bảo được những điều kiện do pháp luật quy định. BLDS năm 2015 ghi nhận và bảo vệ quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân, những vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung này sẽ được quy định tại văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về việc chuyển đổi giới tính. Cũng giống như những người được xác định lại giới tính, cá nhân đã thực hiện quyền chuyển đổi giới tính có quyền được yêu cầu thay đổi những thông tin liên quan đến hộ tịch và có những quyền nhân thân theo giới tính sau khi chuyển đổi.
Tình huống 38. Chị Nguyễn Thị H kí hợp đồng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ với Thẩm mỹ viện JPs. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi. Hai bên đã thống nhất về giá dịch vụ cũng như các quyền và nghĩa vụ liên quan khi hợp đồng phát sinh hiệu lực. Khi Thẩm mỹ viện đã thực hiện xong công việc phẫu thuật, chị H rất hài lòng và đã thực hiện trả phí dịch vụ như thỏa thuận trong hợp đồng. Hỏi: khi hợp đồng giữa chị H và thẩm mỹ viện chấm dứt thì phía thẩm mỹ viện có phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ không được tiết lộ thông tin của chị H hay không?
Những thông tin về việc phẫu thuật thẩm mỹ của một cá nhân được xem xét là những bí mật cá nhân mà người đó muốn giữ kín (trừ trường hợp người đó mong muốn tất cả mọi người biết đến). Trong trường hợp này, hợp đồng giữa chị H và JPs đã thỏa thuận về nghĩa vụ không được cung cấp thông tin cho người thứ ba về việc phẫu thuật thẩm mỹ của mình, do đó có thể xác định thông tin này chị H muốn giữ bí mật. Về nguyên tắc, khi hợp đồng phát sinh hiệu lực thì ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên, đồng thời khi hợp đồng chấm dứt thì các bên cũng chấm dứt quyền và nghĩa vụ với nhau. Tuy nhiên, có những nghĩa vụ nhất định liên quan đến những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà các bên tham gia hợp đồng trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng đã biết về nhau thì không được tiết lộ ra bên ngoài. Đây là một trong những quy định của pháp luật nhằm bảo vệ một cách tối đa quyền của cá nhân đối với những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Tình huống 39. A và B là bạn học cùng lớp từ cấp 1 đến cấp 3. Hai người rủ nhau thi cùng một trường đại học và đã may mắn cùng đỗ vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Gia đình và hàng xóm đều nhìn A và B với ánh mắt rất ngưỡng mộ tình bạn và tinh thần cùng học, cùng tiến của đôi bạn trẻ. Chỉ A và B là những người trong cuộc mới hiểu tình cảm giữa họ không phải là tình bạn của những người cùng giới thông thường, mà là tình yêu đôi lứa dành cho nhau. A và B đã phát hiện giữa họ có tình cảm đặc biệt này từ những năm cùng học cấp 2.Học xong đại học, A và B quyết định sẽ đi đến kết hôn với nhau để được cùng chung sống một nhà. Hãy tư vấn cho A và B để họ có thể thực hiện được mong muốn của mình?
BLDS năm 2015 lần đầu tiên đã ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân. Theo đó cá nhân có quyền được chuyển đổi giới tính để sống đúng với con người mình. Trong trường hợp này A hoặc B (phải tùy vào quan hệ của họ để xác định) có thể thực hiện quyền chuyển đổi giới tính để chuyển đổi từ giới tính nữ sang giới tính nam. Sau khi thực hiện quyền chuyển đổi giới tính, pháp luật cho phép họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi những thông tin về hộ tịch và hoàn toàn có những quyền nhân thân của cá nhân tương ứng với giới tính đã chuyển đổi của mình. Khi trên giấy tờ pháp lý hai bên kết hôn là nam và nữ thì chắc chắn A và B có quyền kết hôn theo quy định của pháp luật. Thậm chí, theo quy định của BLDS năm 2015, A và B có quyền nhận nuôi con nuôi, có quyền của vợ chồng đối với nhau, quyền của cha mẹ đối với con cái… và rất nhiều những quyền nhân thân khác trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng như những luật khác có liên quan.
Tình huống 40. Anh Lò Văn G sinh năm 1970, có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh Yên Bái. Năm 1991, anh G xuống Hà Nội tìm việc làm và lập nghiệp tại Hà Nội cho đến nay. Anh có thuê nhà trọ và đã chuyển chỗ ở một số lần, tuy nhiên chưa đăng ký tạm trú tại những nơi anh đã sinh sống. Theo quy định của pháp luật, nơi cư trú của anh G được xác định như thế nào?
BLDS năm 2015 có quy định về nơi cư trú của cá nhân, theo đó nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trong tình huống này, có thể xác định được nơi anh G thường xuyên sinh sống là tại Hà Nội. Tuy nhiên, tại Hà Nội không có căn cứ nào để minh chứng cho việc anh G đã sinh sống tại đây, do anh không thực hiện thủ tục đăng kí tạm trú theo quy định của pháp luật, nên việc quản lý hộ tịch không thể hiện được nội dung này.
Để xác định nơi cư trú của cá nhân không chỉ căn cứ vào quy định của BLDS, mà phải căn cứ vào quy định pháp luật về nơi cư trú (Luật Cư trú năm 2006). Theo đó, Luật Cư trú năm 2006 quy định nơi thường trú là nơi công dân thường xuyên sinh sống, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và có đăng ký thường trú. Như vậy, trong tình huống này, chỉ có thể xác định nơi cư trú của anh G theo nơi anh đăng ký hộ khẩu thường trú – tỉnh Yên Bái mà không thể xác định là tại Hà Nội.
Tình huống 41. Ông A bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Ông A có vợ là bà B và 2 người con: anh C là con trai (25 tuổi) và chị D là con gái (20 tuổi). Vì muốn có tiền chữa bệnh cho chồng, bà B muốn bán nhà thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng nhưng do không có hiểu biết về pháp luật nên bà B bàn bạc với 2 người con là sẽ ủy quyền cho công ty Luật Bình An thực hiện việc bán nhà. Anh C có ý kiến cho rằng bà B không thể bán nhà vì đây là tài sản chung của cả ông A nên cần phải có chữ ký của ông A mà ông A thì không thể đặt bút ký vào hợp đồng bán nhà. Hãy tư vấn cho gia đình ông A trong trường hợp trên.
Khi ông A bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì ông thuộc đối tượng cần được giám hộ theo quy định tại Điều 47 BLDS năm 2015. Theo quy định của 48,49 BLDS năm 2015 thì bà B sẽ là người giám hộ cho ông A khi đáp ứng được các điều kiện của người giám hộ và đã đăng ký quan hệ giám hộ tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi đó, bà B là người đại diện theo pháp luật cho ông A trên cơ sở theo quy định của pháp luật. Khi xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản thuộc sở hữu của ông A thì bà B có quyền nhân danh và đại diện cho ông A. Khi bán nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì bà B có thể ký với tư cách là bên bán trong hợp đồng mua bán với 2 tư cách: tư cách là đồng sở hữu chủ và tư cách là người đại diện theo pháp luật của ông A. Tuy nhiên, bà B có thể ký kết hợp đồng ủy quyền cho Công ty Luật Bình An để đại diện theo ủy quyền của bà để thực hiện việc bán nhà trên. Người đại diện của Công ty Luật Bình An sẽ có thẩm quyền ký kết hợp đồng ủy quyền với bà B và đại diện cho bà B để ký kết hợp đồng bán nhà cho người có nhu cầu mua nhà.
Tình huống 42. Sau một vụ tai nạn giao thông anh A (25 tuổi) rơi vào tình trạng lúc nhớ, lúc quên và có những biểu hiện thiếu minh mẫn, tỉnh táo trong nhận thức và điều khiển hành vi. Có những thời điểm anh đã bán chiếc xe máy cho một người lạ với giá rẻ bằng 1/3 so với giá trị thực của tài sản hoặc tặng đồng hồ, laptop cho những người mới gặp lần đầu mà anh A cho rằng họ rất đáng thương. Bố mẹ anh A đã hỏi ý kiến của anh K là một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội về cách thức để cho các giao dịch của A với bất cứ ai phải có sự đồng ý của ông bà. Anh K khuyên ông bà nên gửi đơn đến Tòa án quận nơi gia đình ông bà cư trú để yêu cầu tuyên bố anh A có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi nhưng ông bà rất ngại phải ra Tòa bởi vì sợ rằng sau này anh A sẽ khó đi xin việc làm và cũng khó lấy vợ. Hãy tư vấn cho bố mẹ anh A trong tình huống trên.
Theo quy định của Điều 23 BLDS năm 2015 thì anh A có thể bị Tòa án tuyên bố là cá nhân có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi nếu có đơn yêu cầu của bố mẹ anh A và có kết luận của Tổ chức giám định pháp y tâm thần. Trong quyết định của Tòa án cần chỉ định người đại diện theo pháp luật cho anh A. Nếu bố mẹ anh A đã già yếu, không có thu nhập, không biết chữ, tai nghe không rõ và mắt đã mờ thì sẽ không đủ điều kiện để làm người đại diện cho anh A. Nếu anh A có người thân khác như anh, chị, em ruột, cô dì chú bác cậu ruột mà có khả năng bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho anh A thì có thể chọn là người đại diện theo pháp luật cho anh A. Người cụ thể nào là đại diện theo pháp luật cho anh A thì sẽ do Tòa án chỉ định. Khi Tòa án đã tuyên bố anh A có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì mọi giao dịch tặng cho tài sản của anh A cho người khác đều vô hiệu và các giao dịch khác liên quan đến tài sản của anh A đều phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp sau này anh A đã khỏi hẳn những triệu chứng trên, minh mẫn sáng suốt trở lại và có kết luận của cơ quan giám định pháp y tâm thần, có đơn gửi đến Tòa án thì Tòa sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định anh A có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Khi đó, anh A lại trở thành là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, độc lập và tự chịu trách nhiệm về các giao dịch dân sự mà mình đã xác lập thực hiện.
Tình huống 43. Công ty trách nhiệm hữu hạn X được thành lập bởi hai vợ chồng anh Hoàng Hữu Thế và chị Nguyễn Hồng An. Công ty Thế An thực sự gặp rắc rối tại phòng công chứng trong trưòng hợp:
- Khi Công ty Thế An cần vay vốn ngân hàng, vợ chồng anhThế đã dùng khối tài sản chung của hai vợ chồng như: quyền sử dụng đất,ôtô,…để thế chấp tại Ngân hàng để vay của công ty.
2, Khi Công ty Thế An cần thuê lại chính ngôi nhà mà do hai vợ chồng anh đang là chủ sở hữu để làm trụ sở giaodịch.
3, Khi Công tyThế Ancần các thành viên Công ty góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Hãy tư vấn cho Công ty A cách thức ký kết các hợp đồng này theo đúng quy định của pháp luật.
Công ty X có tư cách pháp nhân nên cần phải căn cứ vào điều lệ của công ty để xác định ai là người đại diện theo pháp luật của Công ty X. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2015 thì công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật nên có thể cả vợ chồng anh Thế, chị An đều là người đại diện theo pháp luật của Công ty. Khi giao kết các hợp đồng trên thì anh Thế sẽ là đại diện theo pháp luật của Công ty ký với chính mình với tư cách là chủ sở hữu của tài sản thế chấp, với tư cách của bên cho thuê nhà thì sẽ vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 141 BLDS năm 2015. Thay vì đó, anh Thế có thể ủy quyền cho phó giám đốc của Công ty với tư cách là đại diện theo ủy quyền của Công ty để ký hợp đồng trên. Lúc này anh Thế ký hợp đồng với Công ty mà do người khác là đại diện (theo ủy quyền) nên phù hợp với quy định của pháp luật. Xét về tổng thể thì anh Thế vẫn là người đại diện theo pháp luật của Công ty nhưng xét trong một giao dịch cụ thể thì người đại diện của Công ty mà anh Thế cho thuê nhà, hay thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ của Công ty,,,đã là người khác.
Tình huống 44. Anh T muốn bán chiếc xe ôtô cho anh C nhưng vì có một vài lý doanh C chưa muốn đi sang tên, nên hai bên đã đề nghị công chứng viên công chứng hợp đồng uỷ quyền. Anh T uỷ quyền cho anh C được quản lý, sử dung, được bán chiếc xe ôtô cho người khác. Với thời hạn của uỷ quyền là khi nào anh C thực hiện xong việc bán chiếc xe ôtôchongườikhác.Công chứng viên thuộc văn phòng công chứng Y nhận thấy hợp đồnguỷquyềntrênlàhợp đồng giả tạo,hợpđồngmuabánôtômớilàhợpđồngthật.Rấtcóthểxảyratrườnghợpđólàngaysaukhikýhợpđồnguỷquyền,ngườiuỷquyềnkhôngcònquyềnhạngìđốivớichiếcxeôtônữa.Ngườiđược uỷquyềnvẫncóthể làngườimuaxe ôtô, bởivìngườiđượcuỷquyềnđượcquyềnsửdụngchiếcxeôtô,đượcquyềnbánchiếcxeôtôchongườikhác màlạikhôngphảiđilàmthủtụcsangtên,khôngphảinộpcáckhoảnphí,lệphí,thuế,…Côngchứngviênđãtừchối,khicảanh T và anh Cthốngnhấtlậphợpđồnguỷquyềnthayvìlậphợpđồngmuabán. Hỏi: Việc công chứng viên từ chối có căn cứ không? Nếu chưa kịp bán xe thì anh C đã chết thì anh T có quyền đòi lại từ người thừa kế của anh C đang chiếm hữu chiếc xe đó hay không?
Công chứng viên từ chối công chứng hợp đồng ủy quyền là không có căn cứ, bởi hợp đồng ủy quyền đáp ứng được các điều kiện của một hợp đồng hợp pháp tại thời điểm công chứng: anh T ủy quyền cho anh C được nhân danh anh T để chiếm hữu, sử dụng, định đoạt chiếc xe ô tô của anh T cho đến khi nào anh C bán được chiếc xe ô tô này cho người khác; các chủ thể có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và đều tự nguyện. Hợp đồng ủy quyền có thù lao hay không có thù lao là do các chủ thể tự thỏa thuận với nhau. Do đó, công chứng viên công chứng hợp đồng ủy quyền này là phù hợp. Tuy nhiên, nếu công chứng viên có chứng cứ chứng minh rằng hợp đồng ủy quyền chỉ là giả tạo còn hợp đồng thực chất là hợp đồng mua bán xe ô tô thì công chứng viên có thể tư vấn cho họ về những rủi ro có thể xảy ra. Có thể sau này một trong hai bên lại gửi đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng ủy quyền vô hiệu mà chỉ có hợp đồng mua bán mới có hiệu lực hoặc nếu một trong hai bên chết thì quan hệ ủy quyền cũng chấm dứt. Do tư cách đại diện không còn khi một bên chết thì người thừa kế của anh T có quyền đòi lại tài sản từ anh C hoặc anh T có quyền đòi lại chiếc xe ô tô từ người thừa kế của anh C. Những quạn hệ này luôn tiềm ẩn những tranh chấp có thể xảy ra và các chủ thể cần nhận diện được trước khi lựa chọn loại giao dịch nào đáp ứng được mục đich của mình mà lại an toàn về pháp lý.
Tình huống 45. Ông A có quyền sử dụng đất ở 100 m2 đã ủy quyền cho anh C được nhân danh ông A để thế chấp cho Ngân hàng X bảo đảm cho khoản vay của anh C với Ngân hàng X. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có thời hạn 2 năm kể từ ngày được đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai nhưng mới được có 6 tháng thì ông A bị tai nạn giao thông chết. Con trai ông A là anh B có đơn đề nghị lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Ngân hàng X để chia di sản thừa kế của ông A cho những người có quyền hưởng thừa kế. Hỏi: Hợp đồng ủy quyền thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của người khác có hợp pháp không? Khi ông A chết thì hợp đồng ủy quyền có chấm dứt không, có làm chấm dứt hợp đồng thế chấp không? Hãy đưa ra hướng giải quyết tình huống trên.
Hợp đồng ủy quyền thế chấp quyền sử dụng đất nói trên là hợp pháp, chủ thể của hợp đồng thế chấp là ông A (bên thế chấp) với ngân hàng X (bên nhận thế chấp) nhưng ông A không trực tiếp ký vào hợp đồng thế chấp mà là do anh C đặt bút ký với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của ông A.
Khi ông A chết đây là căn cứ làm chấm dứt hợp đồng ủy quyền thế chấp theo điểm b khoản 4 Điều 140 BLDS năm 2015. Có những căn cứ làm chấm dứt quan hệ ủy quyền nhưng cũng là căn cứ làm xuất hiện người mới thay thế người ủy quyền để tiếp tục thực hiện hợp đồng với người thứ ba, như trường hợp một trong bên ủy quyền chết (người thừa kế của người được ủy quyền sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng với người thứ ba); do đó cho dù hợp đồng ủy quyền chấm dứt nhưng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền chỉ làm chấm dứt tư cách đại diện của bên được ủy quyền (khi bên được ủy quyền chết thì người thừa kế của bên được ủy quyền sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng với người thứ ba hoặc khi bên ủy quyền chết thì bên ủy quyền thay vì thực hiện hợp đồng với người thứ ba gián tiếp thì nay đã phải trực tiếp thực hiện) và không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng với người thứ ba.
Tình huống 46. Ông A thỏa thuận bán cho ông B 20 chục con lợn thịt (lợn mua về để chế biến thịt công nghiệp). Sau khi đã thống nhất giá cả và lựa chọn 20 chục con lợn (ông B đánh dấu bằng sơn trên lưng những con lợn mà ông đã chọn), ông B đã thanh toán ½ số tiền, hẹn 7 ngày sau ông sẽ cho xe đến chở lợn về và sẽ thanh toán nốt ½ số tiền còn lại. Còn 1 ngày nữa đến hạn ông B chở lợn về thì 1 con lợn cái trong số lợn mà ông B đã chọn đã đẻ được 5 con và ông A phải chăm sóc số lợn con mới đẻ. Ngày hôm sau ông B đến và yêu cầu ông A giao cả 5 con lợn con mới đẻ. Ông A không đồng ý vì cho rằng khi ông B chưa nhận số lợn mua thì ông vẫn là chủ sở hữu và có quyền hưởng hoa lợi được sinh ra từ tài sản.Hai bên phát sinh mâu thuẫn.Hãy đưa ra hướng giải quyết tranh chấp trên.
Theo quy định của Điều 161 BLDS năm 2015 thì thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với số lợn mua bán là thời điểm số lợn được chuyển giao – là thời điểm mà ông B thực tế chiếm hữu số lợn đó. Như vậy, cho dù bên mua đã đánh dấu (đặc định hóa) số lợn đã chọn mua thì chỉ có nghĩa là ông A phải giao đúng số lợn đó chứ không có nghĩa là tài sản mua bán đã chuyển giao quyền sở hữu. Theo khoản 2 của điều luật này thì hoa lợi sinh ra từ tài sản chưa chuyển giao sẽ thuộc về người có tài sản chuyển giao. Do đó, việc ông B yêu cầu ông A phải chuyển giao cả 5 con lợn con mới để là không có căn cứ. Ông B phải trả thêm tiền cho ông A thì mới có quyền được nhận số lơn con mới đẻ này.
Tình huống 47. Vợ chồng chị Hà và anh Tiên sau nhiều năm dành dụm, tiết kiệm đã mua được một ngôi nhà trên diện tích 80 m2 thuộc ngoại ô thành phố Hải Phòng.Vì nhà đã cũ nên vợ chồng anh quyết định đập bỏ đi để xây lại nhà mới.Vợ chồng anh đã thuê Công ty dịch vụ X phá dỡ ngôi nhà cũ.Trong khi đang đập bỏ ngôi nhà thì anh M (là nhân viên của Công ty X) đã phát hiện thấy 1 chiếc hộp bằng sắt (có khích thước giống 1 cuốn sách giáo khoa) được cất giấu ở góc của bức tường nhà.Nghi ngờ trong hộp sắt có nhiều đồ quý hiếm nên anh M đã giấu đi và nhân lúc vắng người anh đã mang chiếc hộp sắt đó về nhà mình. Anh M đã cùng vợ mình là chị N phá chiếc hộp sắt thì thấy ở trong có chứa 10 thỏi vàng, mỗi thỏi ước chừng 5 lượng, nhiều đồ trang sức quý bằng vàng ta và ngọc bích. Hôm sau, con trai của anh M và chị N đã sang hàng xóm kể lại câu chuyện trên và tin anh M phát hiện được vàng đã lan xa, đến tai anh Hà và chị Tiên. Anh Hà và chị Tiên đã đến yêu cầu anh M trả lại toàn bộ tài sản trong chiếc hộp sắt cho mình vì cho rằng anh M không có quyền chiếm hữu cũng như sở hữu, chiếc hộp tìm thấy trong nhà của anh Hà, chị Tiên thì phải là của anh chị. Hỏi: Hành vi chiếm hữu của anh M đối với số tài sản phát hiện được có phải là hành vi chiếm hữu hợp pháp hay không? Tranh chấp xảy ra, hãy đưa ra hướng giải quyết.
Hành vi chiếm hữu của anh M đối với số tài sản trên là không phù hợp với quy định của pháp luật nên không phải là hành vi chiếm hữu hợp pháp theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 165 BLDS năm 2015. Theo quy định của Điều 229 BLDS năm 2015 thì anh M phải thông báo công khai hoặc trả ngay cho chủ sở hữu. Nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UNBD cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu anh M ngay sau khi phát hiện ra chiếc hộp sắt đó đã báo tin cho anh M. Nếu anh M không chứng minh được mình là người cất giấu chiếc hộp sắt, nó là của mình thì các bên phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND hoặc công an cấp xã gần nhất để thông báo tìm chủ sở hữu. Chỉ sau khi thông báo công khai như trên thì hành vi chiếm hữu của anh M mới là hành vi chiếm hữu hợp pháp nếu anh M tiếp tục giữ số tài sản này. Theo tình tiết trong vụ việc thì nếu chủ cũ của ngôi nhà (người đã bán nhà cho vợ chồng anh Hà, chị Tiên) chứng minh được quyền sở hữu đối với chiếc hộp sắt thì được lấy về, còn không có ai chứng minh được quyền sở hữu thì số tài sản đó sẽ được giải quyết theoo quy định tại khoản 2 Điều 229 BLDS năm 2015.
Tình huống 48. Làng X thuộc xã Y có một ngôi đền cổ thờ thành hoàng làng. Ngôi đền được trùng tu, tôn tạo theo hàng năm nhưng vẫn bị xuống cấp, đòi hỏi phải có kinh phí cơ bản để bảo trì tổng thể kiến trúc của ngôi đền. Phía trước ngôi đền có một cây gỗ sưa cổ thụ lâu đời rất có giá trị. Đã có nhiều tay buôn gỗ quý đến đề nghị với các vị cao tuổi trong làng (thuộc ban quản lý đền) mua cây gỗ trên với giá 2 tỷ đồng. Các cụ trong làng đã cho họp toàn thể dân làng xin ý kiến về việc bán cây gỗ sưa để lấy tiền đại trùng tu ngôi đền. Phần lớn các ý kiến đều nhất trí vì cho đây là một cơ hội hiếm có để có 1 số tiền lớn như vậy, cây gỗ này cũng trồng đã lâu tán lá che mất ánh sáng trong đền, có thể trồng cây khác để thay thế…Nhưng vẫn có một số ít ý kiến phản đối vì lý do tâm linh không nên tự ý chặt cây lâu năm trong đền…Mâu thuẫn phát sinh. Hỏi: Ban quản lý đền có quyền bán cây gỗ trước cửa đền không khi có sự không đồng ý của các thành viên trong làng. Hãy giải quyết mâu thuẫn trên.
Ngôi đền và cây gỗ sưa thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư theo quy định tại Điều 211 BLDS năm 2015. Do đó, việc định đoạt tài sản chung cộng đồng phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên của cộng đồng. Đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, được hình thành qua thời gian lâu dài từ sự đóng góp của nhiều người, do tập quán hay lịch sử tạo nên. Các vị bô lão trong làng chỉ là đại diện cho sở hữu chung cộng đồng chứ không có quyền tự quyết định. Việc bán cây gỗ sưa tuy rằng vì mục đích chung để tôn tạo kiến trúc của ngôi đền nhưng chỉ cần sự phản đối của số ít các thành viên trong cộng đồng thì cũng không được.
Tình huống 49. Gia đình ông A có 5 người: ông A và vợ (bà B), bố đẻ của ông A (73 tuổi), 2 con: anh C (20 tuổi) và chị D (16 tuổi). Gia đình ông họp bàn quyết định mở rộng diện tích nuôi thả ba ba để tăng kinh tế gia đình. Gia đình muốn mua thêm 200 m2 diện tích ao của nhà liền kề để nuôi ba ba. Ông bà A, B có số tiền là 500 triệu đồng, bố đẻ của ông A góp 100 triệu đồng và anh C góp 50 triệu là vừa đủ số tiền mua thêm diện tích ao liền kề. Một thời gian sau, việc nuôi tôm không thuận lợi do ngoại cảnh và do ông A bị bệnh nặng phải điều trị dài ngày ở bệnh viện nên ông A đã bàn bạc với cả nhà bán mảnh ao đó đi nhưng chỉ có bà B là đồng ý. Hỏi: nếu chỉ có bà B đồng ý thì ông A có được quyền bán 200m2 ao đó cho người khác không khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ao cấp cho hộ gia đình mang tên chủ hộ là ông A?
Theo quy định của Điều 212 BLDS năm 2015 thì việc định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình là bất động sản, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo đó, khi ông A muốn bán chiếc ao đó cho người khác thì phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên là vợ, bố đẻ của ông, chị D. Nếu chỉ có ông A và bà B đồng ý thì ông bà có thể bán phần quyền sở hữu của mình và dành quyền ưu tiên mua cho 2 đồng sở hữu chung còn lại vì bản chất của sở hữu chung của các thành viên gia đình là sở hữu chung theo phần. Nếu bố đẻ của ông A và anh C không muốn mua hoặc không có ý kiến trong thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm nhận được thông báo thì ông bà A,B có quyền bán cho người khác. Người mua mới sẽ là đồng sở hữu chung với bố đẻ của ông A và anh C.
Tình huống 50. Anh A và chị B là hai anh em ruột và là đồng thừa kế ngôi nhà 5 tầng trên diện tích 300 m2 do bố đẻ của 2 người là ông M để lại. Chị B bàn với anh A là bán nhà đất này để lấy tiền chia đôi là thuận tiện nhất nhưng anh A phản đối vì cho rằng đây là nhà đất của tổ tiên để lại nên không bán. Chị B vẫn nhất quyết đăng tải tin bán nhà trên trang báo “Mua và Bán” cũng như trên các trang web mua bán khác. Theo tin đăng tải của chị B nhiều người đã tìm đến xem nhà nhưng đều bị anh A đuổi đi. Chị B đã tìm được anh D (là một dân anh chị trong khu vực đó) đồng ý mua phần quyền sở hữu của chị là 1 tỷ đồng. Biết thông tin này anh A đã đi vay mượn thêm cộng với tiền tiết kiệm của bản thân để trả cho chị B 1 tỷ đồng sau khi hợp đồng mua bán của chị B với anh D đã hoàn tất thủ tục công chứng. Hãy cho biết: hợp đồng mua bán của B và D có hợp pháp không? Nguyện vọng của anh A muốn mua lại phần quyền sở hữu của chị B có thành hiện thực được không?
Hợp đồng mua bán phần quyền sở hữu ngôi nhà của chị B với anh D là không hợp pháp vì trước khi bán chị B đã không thực hiện việc thông báo bằng văn bản cho anh A về giá bán, phương thức thanh toán và chờ ý kiến của anh A trong thời hạn 3 tháng theo như quy định tại khoản 3 Điều 218 BLDS năm 2015. Nếu anh A khởi kiện ra Tòa thì Tòa án sẽ chuyển quyền và nghĩa vụ của anh D trong hợp đồng đã ký kết với chị B sang cho anh A. Do quyền ưu tiên mua của anh A bị viphạm nên anh A có quyền bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định về định đoạt tài sản chung của BLDS năm 2015.
Tình huống 51. Tình huống: Ngày 1 tháng 01 năm 2017, A và B thỏa thuận, A bán cho B đàn gà 20 con với giá 200.000 đồng/1 con. B đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho A đầy đủ số tiền mua gà là 4000.000 đồng. Hai bên thỏa thuận, ngày 03 tháng 01 năm 2017, B sẽ mang lồng gà đến và bắt gà về. trong tình huống trên quyền sở hữu của A với đàn gà chấm dứt dựa trên căn cứ nào? Thời điểm chấm dứt quyền sở hữu của A là thời điểm hợp đồng mua bán tài sản giữa A và B phát sinh hiệu lực đúng hay sai? Tại sao?
Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu trong trường hợp trên là căn cứ: “Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác” theo điều 238, BLDS năm 2015. Hợp đồng mua bán tài sản (gà) giữa A và B là căn cứ chấm dứt quyền sở hữu của A với đàn gà 20 con.
Thời điểm chấm dứt quyền sở hữu đối với số gà trên của A là thời điểm phát sinh quyền sở hữu số gà trên đối với B. Trong tình huống A và B không thỏa thuận khác, theo quy định của BLDS năm 2015, gà là động sản nên thời điểm phát sinh quyền sở hữu đối với 20 con gà trên cho B là thời điểm “tài sản được chuyển giao” – thời điểm B chiếm hữu số gà trên (03/01/2017). Như vậy, thời điểm A chuyển giao gà cho B là thời điểm chấm dứt quyền sở hữu của A đối với số gà không phải thời điểm hợp đồng mua bán gà phát sinh hiệu lực.
Tình huống 52. Tình huống: Năm 1995, A và B kết hôn với nhau sinh được ba người con là C (1996); D (1998); E (2000). Năm 2012, chị B bị tai nạn giao thông, hậu quả của vụ tai nạn khiến chị B mất 41 % sức khỏe không làm được những việc nặng nhọc. Cũng kể từ đó, mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, anh A chán nản cảnh vợ ốm, con thơ nên thường xuyên chửi bới chị B và đập phá đồ đạc trong gia đình. Ngay cả ngôi nhà thuộc sở hữu của chị B mà hai vợ chồng đang chung sống cũng bị anh A lấy búa đập phá. Chị B đã làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho chị, nhưng vì anh A chưa có nhà riêng để ở nên trong quyết định của mình Tòa án cho phép anh A được quyền sử dụng một phần ngôi nhà của chị B để ở trong thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, dựa vào quyết định của Tòa án, anh A ngang nhiên sử dụng diện tích ngôi nhà của chị B vào việc nhậu nhẹt, lúc say vẫn thường xuyên đập phá. Hỏi: Anh/ Chị hãy tư vấn để bảo vệ quyền lợi cho chị B?
Theo quy định tại Điều 258, BLDS năm 2015 A được quyền khai thác công dụng đối với nhà ở thuộc sở hữu của B trong thời gian nhất định theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên anh A có nghĩa vụ phải giữ gìn tài, bảo quản ngôi nhà như tài sản của mình. Trong tình huống anh A đã đạp phá ngôi nhà, không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình mà còn gây hậu quả xấu cho tài sản của chị B. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 263, BLDS năm 2015 chị B được quyền yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng của anh A vì anh A là người hưởng dụng nhưng đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình. Buộc anh A phải sửa chữa, khôi phục tình trạng của tài sản cho chị B.
Tình huống 53. Tình huống: UBND huyện Y, Tỉnh Ninh Bình đồng ý cho Công ty Cổ phần thực phẩm X đầu tư dự án nông nghiệp theo mô hình sản xuất nông phẩm sạch trên diện tích đất rộng 500 ha (thuộc quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp của 100 hộ dân trên địa bàn). Tuy nhiên, UBND huyện Y và công ty X đang băn khoăn không biết dùng biện pháp nào để có thể sử dụng diện tích đất nói trên một cách hợp pháp mà UBND huyện Y không cần thực hiện thủ tục thu hồi diện tích đất của 100 hộ dân nói trên. Có ý kiến cho rằng: Công ty X nên ký kết hợp đồng thuê khoán quyền sử dụng đất với 100 hộ dân nói trên, nhưng vì nhiều lý do chủ quan, công ty X không muốn ký kết 100 hợp đồng thuê khoán với 100 hộ dân nói trên. Theo quy định của BLDS năm 2015, anh/ chị hãy cho biết còn quy định nào cho phép công ty X có quyền khai thác diện tích đất nói trên mà Nhà nước không cần thực hiện thủ tục thu hồi, công ty X không cần ký hợp đồng thuê khoán không?
Trong tình huống trên thay vì Nhà nước thu hồi đất của 100 hộ dân hoặc thay vì công ty X ký kết hợp đồng thuê khoán quyền sử dụng đất với 100 hộ dân. Thì theo quy định mới tại Điều 267, 268, BLDS năm 2015, nhà nước đã cho phép 100 hộ dân được quyền chuyển giao quyền bề mặt của diện tích 500 ha đất cho công ty X, để công ty X khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác trong thời gian thực hiện dự án của mình và công ty X trả tiền thuê quyền bề mặt cho 100 hộ dân. Hoặc 100 hộ dân đó có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất của mình vào dự án đầu tư nông nghiệp của công ty X. Hết thời hạn công ty X phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng dất cho 500 hộ dân, xử lý toàn bộ số nông sản trên đất còn tồn tại tại thời điểm trả lại diện tích đất trên.
Tình huống 54. Tình huống: Anh Thông và chị Lý có thỏa thuận mua bán căn hộ chung cư cao cấp trị giá 4 tỷ đồng. Trước khi kí kết hợp đồng mua bán, hai người thỏa thuận ký hợp đồng đặt cọc để ràng buộc chị việc chị Lý phải bán nhà cho anh Thông và anh Thông phải đến ký kết hợp đồng mua bán nhà theo đúng thời điểm các bên thỏa thuận. Theo đó, anh Thông đặt cọc 200 triệu đồng để bảo đảm sẽ giao kết hợp đồng mua bán với chị Lý thời hạn 20 ngày kể từ khi ký hợp đồng đặt cọc. Sau 20 ngày hai anh, chị tiến hành ký hợp đồng mua bán theo thủ tục luật định. Trong đó, thể hiện rõ, anh Thông sẽ thanh toán cho chị Lý thành hai đợt (đợt 1: 2 tỷ; đợt 2: số tiền còn lại). Sau khi thanh toán đợt 1 như thỏa thuận, anh Thông không còn khả năng thanh toán đợt tiếp theo nên đã vi phạm hợp đồng. Chị Lý có quyền phạt cọc anh Thông số tiền 200 triệu đồng không? Tại sao?
Chị Lý không có quyền phạt cọc anh Thông số tiền 200 triệu đồng. Vì theo quy định tại Điều 328 BLDS năm 2015, đặt cọc có thể để đảm bảo cho 3 trường hợp sau: Một là, giao kết hợp đồng; hai là, thực hiện hợp đồng; ba là, cả giao kết và thực hiện hợp đồng. Như vậy, với tình huống trên, anh Thông và chị Lý chỉ thỏa thuận dừng lại ở việc đặt cọc để giao kết hợp đồng mua bán căn hộ, nên khi đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán theo thủ tục luật định anh Thông không vi phạm hợp đồng đặt cọc và không phải chịu phạt cọc.
Do không có khả năng thanh toán đợt 2 như thỏa thuận, anh Thông và chị Lý có thể thỏa thuận với nhau về việc gia hạn thời gian thanh toán để anh Thông tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoặc: Hủy bỏ hợp đồng mua bán và giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ theo quy định của pháp luật (Theo điều 425, BLDS năm 2015).
Tình huống 55. Tình huống: Ngày 20/1/2017 anh Linh có thỏa thuận Công ty B thuê chiếc xe ô tô KIA mang biển kiểm soát 30B1 – 555.55 thời hạn 02 tháng để đi du lịch. Trong thỏa thuận, anh Linh có chuyển giao cho Công B một chiếc đồng hồ trị giá 100 triệu đồng để đảm bảo cho việc trả lại tài sản thuê. Kết thúc thời hạn thuê, anh Linh đã đem xe để trả cho Công ty B. Tuy nhiên, Công ty B phát hiện chiếc xe đã bị thay thế một số phụ tùng. Trao đổi lại với anh Linh thì được biết, trong thời gian thuê, anh đã gặp tai nạn và xe bị hỏng nặng buộc phải thay thế phụ tùng mới nên anh đã chủ động làm việc đó. Không chấp nhận việc làm của anh Linh vì cho rằng những phụ tùng chị thay thế không phải là hàng chính hãng, Công ty B yêu cầu xử lý chiếc đồng hồ của anh Linh đã ký cược cho mình để bồi thường thiệt hại mà anh Linh đã gây ra. Công ty B có quyền xử lý chiếc đồng hồ của anh Linh không? Tại sao? Công ty B có thể phát sinh quyền được xử lý tài sản của anh Linh hay không ?
Công ty B không có quyền xử lý chiếc đồng hồ của anh Linh. Vì: Bản chất của ký cược nhằm hướng đến bảo đảm cho việc trả lại tài sản thuê của bên thuê. Theo tình huống trên, anh Linh đã thực hiện việc trả lại chiếc ô tô như đã thỏa thuận. Như vậy, anh Linh không vi phạm thỏa thuận về áp dụng dụng biện pháp bảo đảm, cụ thể là ký cược chiếc đồng hồ với Công ty B.
Các trường hợp luật định, Công ty B có thể phát sinh quyền được xử lý chiếc đồng hồ của anh Linh:
Trường hợp thứ nhất, anh Linh không trả lại xe khi hết hạn hợp đồng thuê. Trường hợp thứhứ hai, chiếc xe không còn do mất mát, hư hỏng nặng không thể khắc phục được. (Điều 329 BLDS năm 2015). Theo quy định tại Khoản 2, Điều 329: “Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê”
Tình huống 56. Doanh nghiệp A đăng ký kinh doanh lĩnh vực cho thuê lại lao động. Doanh nghiệp A ký kết hợp đồng với 100 lao động, đào tạo sau đó cho doanh nghiệp C có trụ sở đóng tại tỉnh Ninh Bình thuê lại lao động. Toàn bộ 100 người lao động của A đều là thợ may có tay nghề. Để đảm bảo cho khả năng thanh toán lương, các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, pháp luật quy định doanh nghiệp A phải có mức vốn pháp định là 2000.000.000 (2 tỷ) và duy trì số vốn này trong suốt thời gian hoạt động của mình. Ngày 01/02 năm 2017, đại diện doanh nghiệp A đến ngân hàng BIDV chi nhánh Đông Đô có địa chỉ 14, Láng Hạ, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội để thực hiện việc mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp A với người lao động được đề cập trong tình huống trên là biện pháp gì? Chủ thể trong biện pháp bảo đảm này bao gồm ai? Trong tình huống trên khi nào khoản tiền ký quỹ bị xử lý để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp A với người lao động?
Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp A với người lao động được đề cập trong tình huống trên là biện pháp lý quỹ. Hoạt động nộp tiền ký quỹ của doanh nghiệp A và việc cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ của ngân hàng BIDV cho doanh nghiệp A phải tuân thủ theo quy định của điều 330, BLDS năm 2015 và Thông tư số 40 năm 2014 của Ngân hàng nhà nước hướng dẫn việc ký quỹ và quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
Các chủ thể trong biện pháp ký quỹ trên bao gồm:
- Doanh nghiệp cho thuê lại lao động A (bên bảo đảm)
- Ngân hàng nhận ký quỹ (bên trung gian, quản lý tà sản bảo đảm)
- Người lao động (bên nhận bảo đảm)
- Doanh nghiệp thuê lại lao động C ( có liên quan đến hoạt động ký quỹ).
Căn cứ xử lý tài sản ký quỹ:
Theo quy định của Điều 299, BLDS năm 2015 và Điều 20 Nghị định số 55/2013/NĐ – CP ngày 22 tháng 05 năm 2013 về việc cấp phép cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động thì doanh nghiệp A sẽ được rút tiền ký quỹ để thanh toán cho người lao động khi:
– Doanh nghiệp A không đủ khả năng trả lương cho người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đến thời hạn trả lương;
– Doanh nghiệp A không đủ khả năng bồi thường hoặc không bồi thường cho người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Thanh tra lao động;
– Doanh nghiệp A không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 03 tháng liên tục.
Tình huống 57 Tình huống: Ngày 02/1/2017, anh H đến nhà chị A vay tiền để đầu tư kinh doanh bất động sản. Anh H không có tài sản để thế chấp cho khoản vay nhưng được ông C (họ hàng bên nhà chồng chị A) bảo lãnh nên chị A đã cho anh H vay 1.000.000.000 đồng (một tỉ đồng) trong thời hạn 01 năm, với mức lãi suất 1%/tháng. Trong hợp đồng vay tiền có ghi rõ ông C là người bảo lãnh cho việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền của anh H. Do làm ăn thua lỗ, đến hạn trả nợ nhưng anh H không thể thực hiện được việc trả nợ của mình cho chị A. Chị A yêu cầu ông C thực hiện việc thay anh H trả toàn bộ số tiền gốc và tiền lãi mà anh H đang nợ chị. Chị A có quyền yêu cầu ông C thực hiện việc trả toàn bộ số tiền mà anh H đang nợ chị hay không? Vì sao?
Chị A hoàn toàn có quyền yêu cầu ông C thực hiện việc trả toàn bộ số tiền mà anh H đang nợ chị: “.Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh” ( Theo Khoản 1 Điều 339 BLDS 2015)
Chị A có quyền miễn nghĩa vụ bảo lãnh cho ông C theo quy định tại Điều 341, BLDS 2015: “Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, khi ông C được miễn việc thực hiện nghĩa vụ thì anh H không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có các bên có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 341 BLDS 2015)
Tình huống 58. Anh A kết hợp đồng mua xúc xích với cửa hàng của chị B. Hai bên thỏa thuận cửa hàng của chị B cung cấp mỗi tuần cho nhà anh A 01 thùng xúc xích (1 thùng gồm 10 gói, mỗi gói 10 chiếc) của công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt với chất lượng đảm bảo, trong thời hạn một năm. Anh A đã thanh toán trước cho chị B 2 triệu đồng. Trong một lần sau khi con gái anh A ăn xúc xích xong, thì có hiện tượng đau bụng, buồn nôn và đi ngoài phải nhập viện điều trị. Toàn bộ chi phí điều trị là 3 triệu đồng. Qua kiểm tra thực phẩm đã sử dụng thì bệnh viện điều trị kết luận là con gái anh A bị ngộ độc xúc xích cửa hàng cung cấp không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, qua tìm hiểu thì anh A còn biết được chị B nhập xúc xích ở một cơ sở làm xúc xích giả, mặc dù vỏ bao bì thì hoàn toàn đúng với loại mà anh A đặt mua là Đức Việt nhưng xúc xích bên trong thì hoàn toàn không phải sản phẩm của công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt. Chị B phải chịu hậu quả pháp lý gì khi không bảo đảm chất lượng của xúc xích trong hợp đồng mua tài sản với anh A?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 445, BLDS năm 2015: “Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán”. Trong hợp đồng mua bán tài sản bên bán là chị B có nghĩa vụ phải bảo đảm chất lượng của xúc xích bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu Đức Việt và phù hợp với mẫu mà anh A đã lựa chọn.
Theo quy của BLDS năm 2015 anh A có quyền yêu cầu bên bán đổi lại tài sản mua bán. Tuy nhiên, có thể thấy hành vi giao tài sản không đảm bảo chất lượng của chị B đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe con gái anh A, do đó theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 423, BLDS năm 2015: trong hợp đồng mua bán tài sản một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Trong tình huống, giữa anh A và chị B không có thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng nhưng tại Điều 439 BLDS năm 2015 thì quy định trong trường hợp vật giao không đúng chủng loại thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nên anh A có quyền hủy bỏ hợp đồng mua bán xúc xích theo quy định của pháp luật vì loại xúc xích chị B giao không phải là loại xúc xích anh A thỏa thuận mua. Anh A có quyền yêu cầu chị B bồi thường toàn bộ chi phí gia đình anh đã bỏ ra để điều trị cho con gái của mình. Bên cạnh trách nhiệm dân sự, theo pháp luật Việt Nam chị B còn phải chịu trách nhiệm hành chính do bán hàng giả. Nếu số lượng lớn và tính chất nghiêm trọng thì chị B có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình.
Tình huống 59. A đến cửa hàng điện máy của B mua chiếc Laptop ASUS giá 16 triệu đồng. Tại thời điểm xác lập hợp đồng mua bán, B chuyển giao cho A phiếu bảo hành trong đó ghi rõ thời hạn bảo hành là 1 năm. A mang chiếc laptop về sử dụng được 3 ngày thì phát hiện âm thanh phát ra của chiếc laptop bị rè. Vì nhà của A cách cửa hàng của B rất xa (A ở Sơn La, cửa hàng của B ở Hà Nội), nên A đã ngay lập tức đóng gói và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của Viettel để chuyển đến cửa hàng của B. A yêu cầu B thực hiện việc đổi cho A chiếc laptop mới cùng loại với chiếc ban đầu hoặc sửa chiếc loa để chất lượng âm thanh được tốt hơn. Trước khi gửi laptop A đã liên lạc và thông báo với bộ phận chăm sóc khách hàng của cửa hàng B. B có nghĩa vụ sửa chữa, đổi hàng cho A không? Tại sao? Chi phí vận chuyển chiếc Laptop từ Sơn La xuống Hà Nội do ai thanh toán? Tại sao?
B có nghĩa vụ phải sửa chữa hoặc đổi hàng cho A vì: Theo quy định của Khoản 1, Điều 446, BLDS năm 2015: “Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” Trong tình huống trên khi giao kết hợp đồng B đã chuyển giao cho A phiếu bảo hành, như vậy nghĩa vụ bảo hành đã phát sinh và thời điểm A phát hiện khuyết tật của chiếc laptop vẫn nằm trong thời hạn bảo hành.
B có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí vận chuyển chiếc Laptop trong quá trình bảo hành từ Sơn La xuống Hà Nội và chi phí trả lại chiếc laptop từ Hà Nội về Sơn La. Vì do các bên không có thỏa thuận nên theo quy định tại Khoản 2, Điều 448, BLDS năm 2015: “Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua.”
Tình huống 60. Anh A ký hợp đồng mua bán căn hộ trung cư cao cấp khu đô thị mới Ecopac với chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng. Hợp đồng được ký kết vào ngày 1/ 02/ 2017. Ngày 11/02/ 2017 các bên hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với hợp đồng, anh A thanh toán toàn bộ giá trị căn hộ và nhận bàn giao căn hộ từ chủ đầu tư. Tại thời điểm nhận bàn giao căn hộ anh A không phát hiện ra điểm bất thường. Tuy nhiên, sau hai tháng vào căn hộ anh A phát hiện từng mảng tường, hồ bị bong chóc, trần nhà bị lở, khiến cả gia đình anh A được phen hoảng hồn. Anh A gọi điện cho bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty cổ phần và đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng để yêu cầu sửa chữa. Hỏi: Nếu trong nội dung hợp đồng không đề cập đến nghĩa vụ bảo hành, anh A có được yêu cầu bên bán bảo hành, sửa chữa nhà cho mình không? Tại sao?
Theo quy định tại Điều 447, BLDS năm 2015: “Trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền”. Quyền yêu cầu bảo hành chỉ phát sinh cho anh A nếu các bên có thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Tuy nhiên, anh A và bên bán đã không thỏa thuận nghĩa vụ bảo hành trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cao cấp. Nhưng theo quy định tại Khoản 1, Điều 85 Luật Nhà ở năm 2014 quy định : “Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở”. Theo Khoản 2, Điều 85, Luật Nhà ở năm 2014 quy định thì nhà ở sẽ được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn tối thiểu là 60 tháng đối với nhà chung cư. Nội dung bảo hành bao gồm: “sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán” (Khoản 3, Điều 85, Luật Nhà ở năm 2014). Như vậy A hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ bảo hành, sửa chữa nhà chung cư cho mình, nghĩa vụ bảo hành trong tình huống này phát sinh do luật định. Nếu hỏng hóc xảy ra là do lỗi của bên thi công thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu bên thi công bảo hành theo quy định của pháp luật xây dựng.
Tình huống 61. A đến cửa hàng điện máy của anh Nguyễn Văn Long mua chiếc tủ lạnh hai cánh, nhãn hiệu Sharp với giá 15.600.000 đồng. Cửa hàng cam kết bảo hành chiếc tủ lạnh cho anh A trong thời gian 6 tháng. Sau khi A sử dụng tủ lạnh được một tháng, khi tủ lạnh hoạt động thì dàn lạnh bị bám tuyết và trên đường hút có đọng sương. Anh A mang chiếc tủ lạnh đến cửa hàng của anh Long để yêu cầu được sửa chữa và được bên cửa hàng chấp thuận.Vì trung tâm bảo hành cách xa cửa hàng 8km nên anh Long thuê xe bán tải chở tủ lạnh đến nơi bảo hành mất 300.000 đồng. Sau khi chiếc tủ lạnh sửa chữa xong, anh Long tiếp tục thuê xe chở chiếc tủ lạnh về nhà anh A với chi phí 500.000 đồng. Khi bàn giao chiếc tủ lạnh cho anh A, anh Long yêu cầu anh A phải thanh toán 800.000 đồng chi phí vận chuyển bởi cửa hàng anh chỉ cam kết sửa chữa tài sản trong thời gian bảo hành; còn các chi phí vận chuyển thì anh A phải chịu. Anh A không đồng ý dẫn đến hai bên xảy ra tranh chấp.Hãy giải quyết tình huống.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 448 BLDS năm 2015:
“1. Bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết.
- Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua”.
Như vậy, theo quy định trên, anh Long có trách nhiệm phải sửa chữa chiếc tủ lạnh cho anh A trong thời gian bảo hành. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 448 cũng đã ghi nhận, bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua; do đó, chi phí vận chuyển 800.000 đồng anh Long phải tự chịu mà không được quyền yêu cầu anh A thanh toán.
Tình huống 62. Anh Trần Văn X đến Đại lý ôtô Honda MĐ mua chiếc ôtô Honda Civic 1.8AT với giá 780.000.000 triệu đồng. Công ty Honda Việt Nam chịu trách nhiệm bảo hành cho mỗi chiếc xe về các khiếm khuyết kĩ thuật trong 3 năm hoặc 100.000 km, tùy điều kiện nào đến trước. Khi sử dụng xe được một tuần, trên đường đi qua khu chợ đông người mặc dù X đã đạp chân phanh nhưng xe bị mất phanh không hãm được tốc độ; do đó, xe đã đâm vào chị M (người đi đường) khiến chị gẫy chân và chữa trị hết 25 triệu đồng. Khi X mang xe đến đại lý bảo hành, qua quá trình kiểm tra thì được nhân viên kĩ thuật cho biết, xe không phanh được do hệ thống trợ lực phanh bị lỗi kĩ thuật, mất điện đột ngột; lỗi này dẫn đến tài xế không phanh được xe như mong muốn. Bên đại lý có trách nhiệm bảo hành cho xe ô tô của X. Bên cạnh đó, X yêu cầu đại lý bán hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường 25 triệu đồng cho chị M. Tuy nhiên, bên đại lý Honda MĐ không chấp thuận yêu cầu này dẫn đến hai bên xảy ra tranh chấp. Hãy giải quyết tình huống.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 449 BLDS năm 2015: “Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành”.
Như vậy, theo tình huống trên, do xe ô tô bị lỗi kỹ thuật với hệ thống phanh nên mới dẫn đến tình huống xe mất phanh và đâm vào chị M. Có thể khẳng định, thiệt hại xảy ra cho chị M xuất phát từ khuyết tật về kỹ thuật của xe ô tô. Do đó, anh X có quyền yêu cần bên bán phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định trên.
Tình huống 63. Anh Hà, anh Hùng và anh Khánh là ba người chuyên buôn đồ cổ. Ba anh thỏa thuận cùng nhau góp tiền để mua chung chiếc lu bằng gốm cổ với giá 300 triệu đồng. Đây là hiện vật của dòng gốm cổ Biên Hoà, vô cùng quý hiếm. Sau khi mua xong, anh Hà và anh Hùng thỏa thuận kí kết hợp đồng bán đấu giá chiếc lu cổ với Công ty bán đấu giá tài sản X. Do anh Khánh đang đi công tác ở nước ngoài nên anh Hà và anh Hùng tự quyết mọi vấn đề; anh Khánh chỉ được thông báo về việc bán đấu giá chiếc lu sau khi hợp đồng bán đấu giá được giao kết xong. Không đồng ý với quyết định của anh Hà và anh Hùng, anh Khánh yêu cầu hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản giữa công ty X và anh Hà, anh Hùng.Hãy giải quyết tình huống.
Theo quy định tại Điều 451 BLDS năm 2015: “Tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý chí của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Tài sản thuộc sở hữu chung đem bán đấu giá phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Theo tình huống, anh Hà, anh Hùng và anh Khánh cùng góp tiền mua chung chiếc lu; do đó, chiếc lu cổ là sở hữu chung của ba người. Theo quy định trên, khi mang chiếc lu bán đấu giá thì phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung. Nhưng khi giao kết hợp đồng bán đấu giá vì anh Khánh đi công tác ở nước ngoài nên việc bán đấu giá chiếc lu chỉ được quyết định bởi anh Hà và anh Hùng mà anh Khánh không được biết và không được thể hiện ý chí của mình. Do đó, việc giao kết hợp đồng bán đấu giá của anh Hà và anh Hùng với công ty bán đấu giá X không hợp pháp. Anh Khánh có quyền không công nhận và yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bán đấu giá chiếc lu.
Tình huống 64. Do cần vốn làm ăn nên vợ chồng anh Lê Xuân Biên đã mang bộ trường kỷbằng gỗ cây gõ mật bán cho anh Lộc với giá 200 triệu đồng, Vợ chồng anh Biên cho biết, bộ ghế này được ông bà anh mua từ trước năm 1950 và đã qua nhiều thế hệ sử dụng; do đó, vợ chồng anh thỏa thuận với anh Lộc khi nào có tiền thì cho vợ chồng anh chuộc lại và được anh Lộc đồng ý. 11 tháng sau, vợ chồng anh Biên mang 200 triệu đồng chuộc lại bộ trường kỷ nhưng anh Lộc không đồng tình vì anh đã kí hợp đồng bán bộ trường kỷ này cho người khác với giá 300 triệu đồng và đang chờ 5 ngày nữa sẽ giao. Vợ chồng anh Biên không đồng tình dẫn đến tranh chấp xảy ra.Hãy giải quyết tình huống.
Theo quy định tại Điều 454 BLDS năm 2015: “Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thoả thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn chuộc lại không quá 01 năm đối với động sản và 05 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trong thời hạn này, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Theo tình huống trên, sau khi bán bộ trường kỷ được 11 tháng thì vợ chồng anh Biên đã chuộc lại tài sản; do đó, tại thời điểm chuộc lại hoàn toàn phù hợp với quy định của luật. Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác. Như vậy, có thể khẳng định vợ chồng anh Biên hoàn toàn có quyền chuộc lại bộ trường kỷ; anh Lộc không được quyền bán cho người khác. Vì các bên không có thỏa thuận từ trước nên giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại.
Tình huống 65. Do đang có nhu cầu mang laptop đi công tác để giải quyết công việc, chị Nhung đã mượn chiếc laptop HP của bạn mình là chị Hằng trong thời gian 5 ngày. Sau thời gian công tác về, chị Nhung báo với chị Hằng là chiếc laptop bị trộm lấy mất khi chị để ở trong phòng tại khách sạn chị ở trong thời gian công tác.Vì chiếc laptop đã sử dụng lâu năm và xuống cấp nên khách sạn chỉ bồi thường 1 triệu đồng. Vì nghĩ tình bạn bè thân thiết lâu năm và sự việc xảy ra cũng không ai mong muốn nên chị Hằng đành chấp thuận. Tuy nhiên sau đó chị Hằng được chị Lan là người đi công tác cùng chị Nhung cho biết, thực chất chiếc laptop không phải bị mất mà do chị Nhung đổi chiếc laptop lấy chiếc máy tính bảng Sam Sung của chị. Vì chị Lan nghĩ đó là laptop của chị Nhung nên mới đồng ý đổi.Hãy giải quyết tình huống để bảo vệ quyền lợi cho chị Hằng và chị Lan.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 455 BLDS năm 2015: “Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Chiếc laptop mà chị Nhung dùng để trao đổi lấy chiếc máy tính bảng Sam Sung của chị Lan không thuộc sở hữu của chị Nhung. Đồng thời, việc trao đổi này không được chị Hằng – là chủ sở hữu chiếc laptop biết. Do đó, theo quy định trên, chị Lan có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng trao đổi. Khi hợp đồng được hủy bỏ thì các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, cụ thể: chị Lan được nhận lại chiếc máy tính bảng của mình; còn chiếc laptop được giao trả lại cho chị Hằng – chủ sở hữu đích thực của tài sản.
Tình huống 66. Vợ chồng ông bà Hạnh có hai người con trai là Mạnh và Hải. Khi anh Mạnh chuẩn bị lập gia đình thì ông bà Hạnh có chia cho anh 120 m2 đất để xây nhà. Việc cho đất chỉ được được lập giấy viết tay, có chữ kí của vợ chồng ông bà Hạnh và anh Mạnh. Sau 6 năm kết hôn, vợ chồng anh Mạnh xây nhà trên mảnh đất mà anh Mạnh được chia trước khi lấy vợ. Trong quá trình chung sống, mâu thuẫn nảy sinh giữa vợ chồng ông bà Hạnh với vợ chồng anh Mạnh. Vợ chồng anh Mạnh thường xuyên hỗn láo và cãi nhau với vợ chồng ông bà Hạnh. Tức giận vì sự bất hiếu của người con, ông bà Hạnh đòi anh Mạnh phải trả lại đất cho mình nhưng anh không đồng ý. Xin hay cho biết pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này.
– Hợp đồng xác lập giữa vợ chồng ông bà Hạnh và anh Mạnh là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Theo quy định tại Điều 459 BLDS năm 2015: “Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật”. Đối chiếu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông bà Hạnh và anh mạnh với điều kiện trên thì hợp đồng này vi phạm về hình thức vì hợp đồng mới chỉ được viết tay mà chưa được công chứng, chứng thực.
– Hợp đồng vi phạm về hình thức thì việc giải quyết áp dụng khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015. Mặc dù hợp đồng tặng cho chưa được công chứng, chứng thực nhưng ông bà Hạnh đã giao đất cho anh Mạnh; đồng thời anh Mạnh đã nhận đất và đã tiến hành xây nhà trên diện tích được giao. Nên các bên trong hợp đồng đã thực hiện xong nghĩa vụ trong hợp đồng tặng cho tài sản. Bởi vậy, ông bà Hạnh không có quyền đòi đất của anh Mạnh. Anh Mạnh có quyền yêu cầu Tòa ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng.
Tình huống 67. Vào dịp cuối năm, vợ chồng anh Quyết đầu tư vốn buôn loa đài, dàn hát karaoke để phục vụ cho nhu cầu mua sắm gần tết. Do thiếu vốn nên vợ chồng anh vay 150 triệu đồng của anh Hiệp. Khi vay, vợ chồng anh Quyết cam kết dùng số tiền vay để nhập loa, đài buôn bán và sẽ trả nợ cho anh Hiệp trong vòng 3 tháng kể từ khi vay. Tuy nhiên, sau khi vay xong, vợ chồng anh Quyết được bạn rủ góp vốn nhập rượu ngoại về bán vì giáp tết thì nhu cầu mua rượu tăng cao và bán rượu ngoại thu lãi rất lớn. Vợ chồng anh Quyết đã dùng số tiền vay của anh Hiệp để góp vốn mua rượu ngoại với bạn. Biết được thông tin này, anh Hiệp đã yêu cầu vợ chồng anh Quyết trả tiền cho mình nhưng vợ chồng anh Quyết không đồng ý vì vợ chồng anh mới vay tiền được 1 tháng chưa hết thời hạn trả nợ mà các bên đã thỏa thuận. Hãy giải quyết tình huống.
Theo quy định tại Điều 467 BLDS năm 2015: “Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích”.
Như tình huống nêu trên, vợ chồng anh Quyết đã dùng số tiền vay của anh Hiệp để góp vốn mua rượu ngoại với bạn mà không phải để nhập loa, đài buôn bán như đã cam kết với anh Hiệp. Do đó, vợ chồng anh Quyết được xác định là sử dụng tiền vay không đúng với mục đích vay. Theo quy định trên, anh Hiệp có quyền yêu cầu vợ chồng anh Quyết trả 150 triệu đồng trước thời hạn trả nợ mà 2 bên đã thỏa thuận.
Tình huống 68. Do chơi lô đề, cá độ bóng đá nên anh Đồng vay nợ rất nhiều người. Để trả nợ, Anh Đồng tiếp tục vay chị Linh số tiền 300 triệu đồng.Hai bên thỏa thuận, sau 1 năm anh Đồng phải trả cả gốc và lãi cho chị Linh là 390 triệu đồng. Hỏi: Lãi suất do các bên thỏa thuận có hợp pháp hay không?
– Khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Vậy trong trường hợp này: chị Linh cho anh Đồng vay 300 triệu đồng, tiền lãi là 90 triệu đồng trong vòng 12 tháng. Vậy lãi suất theo năm là = 90.000.000/300.000.000 x 100% = 30%/năm. Mức lãi suất này đã vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay; do đó, mức lãi suất 30%/năm không được chấp thuận. Theo quy định trên, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn là 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Do vậy, mức lãi suất để tính lãi tối đa trong tình huống này là: 20%/năm.
Tình huống 69. Gia đình anh Trung nuôi một đàn trâu 6 con chuyên dùng cho thuê để làm sức kéo. Vào vụ mùa đông xuân anh Trung cho anh Lai thuê khoán cả đàn trâu nhà mình trong cả vụ với mục đích anh Lai dùng trâu để cày ruộng thuê lấy tiền. Anh Lai giao 6 con trâu cho 6 người anh Lai thuê để đi cày bừa thuê cho các gia đình trong xóm, mỗi ngày công anh Lai trả cho họ là 200.000 đồng/người/ngày. Vào cuối mùa vụ khi các ruộng đã được cày gần xong hết thì công việc ít nên anh đã mang 2 con trâu mà anh thuê của anh Trung cho anh Lợi thuê trong thời gian còn lại của vụ mùa đông xuân mà không thông báo cho anh Trung biết. Hỏi: Anh Lai có quyền cho anh Lợi thuê lại trâu của anh Trung không? Tại sao?Giả sử trong thời gian thuê khoán, có con trâu đẻ ra con nghé thì con nghé thuộc sở hữu của ai?Cở sở pháp lý áp dụng để giải quyết.
Anh Lai không có quyền cho anh Lợi thuê lại 2 con trâu của anh Trung. Vì theo quy định tại khoản 3 Điều 508: “Bên thuê khoán không được cho thuê khoán lại, trừ trường hợp bên được cho thuê khoán đồng ý”. Việc anh Lai cho anh Lợi thuê khoán lại là làm trái quy định của pháp luật, vi phạm nghĩa vụ của người thuê khoán.
Trong thời gian thuê khoán, con trâu đẻ ra con nghé thì cả bên cho thuê là anh Trung và bên thuê khoán là anh Lai đều được hưởng một nửa số gia súc con vì theo quy định tại Điều 491 BLDS năm 2015: “Trong thời hạn thuê khoán gia súc, bên thuê khoán được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về gia súc thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Tình huống 70. Ba anh Hoàng, Hưng và Lai giao kết hợp đồng hợp tác để cùng thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Theo sự thỏa thuận của các bên, anh Hoàng góp chiếc xe bán tải mà gia đình anh đang sử dụng, còn anh Hưng và anh Lai mỗi người góp 150 triệu đồng để mua thêm một chiếc xe tải chở hàng loại nhỏ. Ba anh cam kết phải góp tài sản trong vòng thời gian 1 tuần sau khi giao kết hợp đồng hợp tác. Tuy nhiên, đến khi hết thời gian góp tài sản, chỉ anh Hoàng và anh Hưng thực hiện theo đúng cam kết; còn anh Lai thì mới góp được 50 triệu đồng, 100 triệu đồng còn lại anh Lai góp quá thời gian cam kết 3 tuần. Hỏi: Trách nhiệm của anh Lai đối với việc chậm góp tiền của mình?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 506 BLDS năm 2015: “Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này và phải bồi thường thiệt hại”.
Dẫn chiếu tới Điều 357 BLDS năm 2015: Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015. Đây là tình huống mà các bên không có thỏa thuận về lãi suất do chậm trả tiền; do đó, mức lãi suất được áp dụng để tính là 10%/năm (khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015).
Từ các căn cứ trên, số tiền lãi mà anh Lai phải trả do chậm góp số tiền 100 triệu trong vòng 3 tháng là: 100 triệu x (10%/năm :12) x 3 tháng = 2.500.000 đồng.
Tình huống71. Ông Nguyễn Thành Nam, ông Trần Hoàng và bà Phan Thanh dự định cùng góp vốn thực hiện việc đấu thầu ao cá tại xã nơi các ông bà đang cư trú. Để tránh rủi ro xảy ra nên các ông bà quyết định sẽ lập một hợp đồng ghi nhận nội dung thỏa thuận của bên. Tuy nhiên, các ông bà loay hoay không biết sẽ ký hợp đồng này với tên gọi gì và có nội dung như thế nào. Xin hãy cho biết pháp luật quy định như thế nào về nội dung hợp đồng?
Do nhu cầu của các ông bà chỉ là cùng đóng góp vốn thực hiện một hoạt động cụ thể, không có nhu cầu thành lập một pháp nhân chung nên theo quy định tại Điều 504 BLDS năm 2015, các ông bà có thể ký kết hợp đồng mang tên Hợp đồng hợp tác.
Theo quy định tại Điều 505 BLDS năm 2015, nội dung Hợp đồng hợp tác giữa các ông bà cần có các nội dung cơ bản sau:
- Mục đích, thời hạn hợp tác giữa các ông bà;
- Thông tin của các bên tham gia vào hợp đồng hợp tác;
- Tài sản đóng góp cụ thể của từng thành viên vào để thực hiện việc đấu thầu ao cá của xã;
- Đóng góp bằng sức lao động của từng chủ thể tham gia thực hiện hợp đồng nếu có;
- Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các chủ thể tham gia hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng;
- Quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác;
- Chủ thể là đại diện theo ủy quyền nếu có và phạm vi được ủy quyền;
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng hợp tác.
Tình huống 72. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ông Trần Long và ông Phan Hải cùng đóng góp 1 tỉ 500 triệu đồng hợp tác thực hiện công việc cung cấp dịch vụ vận chuyển có người lái. Để thực hiện việc hợp tác, mỗi ông đóng góp 500 triệu và thống nhất mua 3 chiếc xe ô tô 4 chỗ và mỗi chiếc mang tên một người tham gia trong hợp đồng hợp tác trên cơ sở hợp đồng ủy quyền. Thời hạn hợp tác trong 3 năm kể từ ngày thực hiện việc hợp tác. Khi thực hiện hợp đồng hợp tác được 12 tháng, ông Trần Long có nhu cầu tiền nên bán một chiếc xe mang tên chủ sở hữu là ông. Sau khi ông Long bán xe, hai thành viên còn lại phản đối và buộc ông Long hủy hợp đồng mua bán. Ông Long cho rằng chiếc xe mang tên mình, hơn nữa bản thân ông cũng đóng góp tiền mua xe nên ông có quyền. Ba ông quyết định đến văn phòng luật sư đề nghị được tư vấn.
Trả lời:
- Theo quy định tại Điều 506 BLDS năm 2015, tài sản hình thành trên cơ sở đóng góp của ba ông Nguyễn Văn Hoàng, ông Trần Long và ông Phan Hải là tài sản chung theo phần. Mặc dù mỗi một chiếc xe được đăng ký theo tên của từng chủ thể trong hợp hợp tác trên cơ sở hợp đồng ủy quyền thì vẫn là tài sản chung theo phần. Việc đưa tài sản vào tham gia các giao dịch phải tuân thủ theo nguyên tắc áp dụng đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu chung theo phần.
- Giao dịch mua bán do ông Long xác lập về mặt ý chí là chưa được sự đồng ý của các đồng chủ sở hữu, về mặt pháp lý là không có ủy quyền từ các đồng chủ sở hữu do đó hợp đồng mua bán này không có hiệu lực pháp luật. Về nguyên tắc, giao dịch này không có hiệu lực do chủ thể định đoạt không có đủ tư cách chủ thể.
Tình huống 73. Công ty TNHH hai thành viên trở lên Hoàng Thanh (gọi tắt là công ty Hoàng Thanh) đặt hàng với Công ty may Chiến Thắng may cho mình 500 bộ đồng phục cho nam và nữ nhân viên. Hai công ty thỏa thuận, vải sẽ do công ty may Chiến Thắng cung cấp trên cơ sở công ty Hoàng Thanh duyệt. Thời gian thực hiện hợp đồng là 2 tháng kể từ ngày hợp đồng ký kết. Công ty Hoàng Thanh có quyền kiểm tra hàng trước khi bàn giao vào ngày thứ 50 của thời hạn thực hiện hợp đồng. Đến ngày kiểm tra hàng, công ty Hoàng Thanh sang công ty mau Chiến Thắng kiểm tra hàng thấy số lượng mới hoàn thành được một nửa. Công ty may Chiến Thắng giải thích rằng họ vừa bán 150 bộ trang phục cho công ty khác do công ty này cũng rất thích các sản phẩm này. Công ty Hoàng Thanh yêu cầu công ty may Chiến Thắng phải bồi thường thiệt hại vì bản thân công ty may này không phải là chủ sở hữu tài sản nên không có quyền định đoạt. Bản thân công ty may Chiến Thắng cho rằng mình là chủ sở hữu nên đương nhiên có quyền bán các sản phẩm này cho công ty khác. Sau khi phát sinh tranh chấp, hai công ty đến yêu cầu tư vấn từ các chuyên gia pháp lý để có cách giải quyết thích đáng.
Theo thỏa thuận của các bên là công ty Hoàng Thanh đặt công ty may Chiến Thắng may 500 bộ đồng phục theo mẫu đã được chọn lựa. Mặc dù công ty may Chiến Thắng cung cấp nguyên vật liệu nên được hiểu chính công ty này đã thực hiện hợp đồng mua bán nguyên vật liệu (vải may quần áo) cho công ty Hoàng Thanh nhưng đối tượng chính trong thỏa thuận giữa hai công ty là công việc gia công tạo nên 500 bộ đồng phục. Do vậy, đối tượng hợp đồng mà đem lại kết quả 500 bộ đồng phục theo mẫu do bên công ty Hoàng Thanh chọn lựa là một công việc. Chính vì thế, đây là hợp đồng gia công theo quy định Điều 543 BLDS năm 2015. 500 bộ đồng phục là vật được tạo nên trên cơ sở mẫu có sẵn do các bên thỏa thuận. Chính vì vậy, chủ sở hữu của 500 bộ đồng phục phải là công ty may Hoàng Thanh. Công ty may Chiến Thắng chỉ là chủ thể có nghĩa vụ chiếm hữu, quản lý và giao các vật này sau khi hoàn thành công việc cho bên thuê gia công (công ty Hoàng Thanh).
Tình huống74. Ông Hoàng Nam đặt hộ gia đình ông Trần Mạnh – chuyên sản xuất đồ gỗ – một bộ bàn ghế uống nước (gồm 1 bàn, 1 ghế dài, 2 ghế đơn) theo phong cách cổ, một giường đôi có kích thước 1,6m x 2m và một bộ bàn ghế ăn (gồm 1 bàn và 6 ghế) theo các mẫu đã được khách hàng lựa chọn, quyết định. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 2/1/2017. Đến ngày hết hạn hợp đồng, gia đình ông Trần Mạnh cho xe ô tô chở đến nhà riêng ông Hoàng Nam để giao hàng theo như địa điểm thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, khi xe vận chuyển nhà ông Trần Mạnh chở đến nơi thì không có bất cứ ai ở nhà nhận hàng. Xe chở đồ không thể đợi được nên buộc ông Trần Mạnh phải thuê một gian kho của bà Thanh Lan hàng xóm nhà ông Hoàng Nam để các sản phẩm này với giá thuê là hai trăm nghìn đồng/đêm và ông đã báo ngay cho ông Hoàng Nam về việc này. Tuy nhiên, không may là đêm đó nhà bà Thanh Lan bị chập điện dẫn đến hỏa hoạn khiến cho bộ bàn ghế ăn bị cháy. Mọi người chỉ kịp sơ tán được bộ bàn ghế uống nước và chiếc giường. Ngày hôm sau khi ông Hoàng Nam trở về nhà, biết tình hình liền yêu cầu gia đình ông Trần Mạnh phải đóng bù cho gia đình nhà mình bộ bàn ghế ăn. Bản thân ông cũng không chi trả số tiền thuê gian kho cho bà Thanh Lan. Từ ý kiến này dẫn đến hai ông Hoàng Nam và Trần Mạnh phát sinh mâu thuẫn và cần được tư vấn xem chủ thể nào chịu rủi ro trong tình huống này.
Theo quy định tại Điều 548 và khoản 2 Điều 550 BLDS năm 2015 thì:
- Chủ thể chịu rủi ro trong trường hượp này là ông Hoàng Nam vì bản thân ông có lỗi trong việc chậm nhận sản phẩm. Do đó, dù ông Trần Mạnh là chủ thể cung cấp nguyên vật liệu thì ông Hoàng Nam vẫn phải gánh chịu rủi ro này.
- Chủ thể phải thanh toán chi phí thuê kho là ông Hoàng Nam vì khi tiến hành thuê gian kho nhà bà Thanh Lan để cất giữ sản phẩm gia công thì ông Trần Mạnh đã báo cho ông này. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 550 BLDS năm 2015 thì ông Hoàng Nam có nghĩa vụ thanh toán chi phí thuê gian kho.
Tình huống 75. Anh Hoàng đặt may bộ quần áo comple tại cửa hàng may quần áo Hoàng Mùi với giá tiền công là 2 triệu. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 20 ngày kể từ ngày tiến hành đo quần áo. Khi cửa hàng may Hoàng Mùi yêu cầu lựa chọn mẫu mã để may thì anh Hoàng đề nghị chủ cửa hàng tự chọn vì theo anh, chủ cửa hàng nắm rõ xu hướng thời trang và có kinh nghiệm lựa chọn để phù hợp với từng khách hàng. Đến hạn giao sản phẩm, anh Hoàng đến mặc thử thì anh thấy bộ comple không hợp với dáng anh và anh không cảm thấy đẹp. Tuy nhiên, vì bộ comple đã may xong nên anh vẫn lấy xong anh yêu cầu tiền công giảm một nửa, tức còn 1 triệu đồng. Ông chủ hàng may Hoàng Mùi từ chối giảm tiền công và yêu cầu hai bên cùng đến gặp chuyên gia pháp lý để có những ý kiến tư vấn hợp lý, hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 552 BLDS năm 2015, bên đặt gia công không có quyền giảm tiền công trong hai trường hợp là sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà mình đã cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của mình. Trong trường hợp này, khi anh Hoàng đồng ý cho ông chủ cửa hàng may Hoàng Mùi có quyền lựa chọn mẫu mã có nghĩa là anh hoàn toàn đồng ý với những mẫu mã mà ông này quyết định. Do đó, chính anh Hoàng có lỗi trong việc đưa ra chỉ dẫn khách hàng cho bên nhận gia công. Vì nằm trong các trường hợp pháp luật quy định không cho phép giảm tiền công nên buộc anh Hoàng vẫn phải thực hiện trả tiền công theo như nội dung thỏa thuận ban đầu.
Tình huống 76. Ông Thành có một chú chó cảnh dòng chó Phốc màu vàng nâu. Ngày 15/1/2017, con trai ông đi chơi về quên đóng cổng nên đến chiều tối, gia đình ông không thấy con chó trong nhà. Ông Thành suy đoán là con chó nhà ông đã chạy ra đường khi con trai ông quên đóng cổng. Với mong muốn tìm được chú chó, ông Thành đăng lên facebook của cá nhân với thông tin là bất cứ ai tìm được chó hoặc cung cấp thông tin liên quan đến con chó nhà ông và có hình kèm theo để mọi người dễ nhận diện thì ông sẽ cảm ơn bằng một chiếc điện thoại có giá trị 3 triệu đồng. Ngay sau khi đọc được thông báo trên, Nam (21 tuổi) miệt mài vào các trang dành cho người yêu chó hay các trang rao vặt để xem có thông tin nào liên quan đến chú chó của ông Thành không. Khi thấy có thông tin, Nam liền báo cho ông Thành và ông Thành đã đến gặp người đang chiếm hữu chú chó của ông. Sau đó, ông có đăng trên chính facebook của mình thể hiện niềm vui khi tìm được chú chó. Nam thấy ông Thành không đề cập đến việc trả thưởng theo như thông báo liền thắc mắc nhưng bị ông Thành từ chối. Ông Thành cho rằng đó chỉ là thông báo vu vơ chứ không phải tuyên bố hứa thưởng như Nam khẳng định. Nam rất bức xúc và yêu cầu chuyên gia tư vấn pháp lý có những phân tích để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Theo như quy định tại Điều 570 BLDS năm 2015 cho thấy, thông báo của ông Thành trên mạng xã hội facebook đáp ứng điều kiện của một tuyên bố hứa thưởng. Ông Thành đưa ra điều kiện thực hiện một công việc cụ thể, có thể thực hiện được, không trái đạo đức xã hội và được thông báo công khai. Do đó, ông Nam không thể viện cớ là một thông báo vu vơ để phủ nhận nghĩa vụ của mình được phát sinh sau khi thực hiện hành vi tuyên bố hứa thưởng.
Tình huống 77. Công ty TNHH Hoàng Long muốn xây dựng nhãn hiệu cho mình nên thông báo rằng bất kỳ cá nhân nào thiết kế lô gô mà được công ty chọn sử dụng thì sẽ được nhận phần thưởng trị giá 20 triệu đồng. Thời hạn nộp lô gô là 20 ngày kể từ ngày thông báo công khai. Thời hạn tuyên bố lô gô được chọn là 3 ngày kể từ ngày hết hạn nộp lô gô. Ngay sau khi đưa ra thông báo có rất nhiều cá nhân tham gia. Đến hạn nộp các hình lô gô, công ty Hoàng Long nhận được tổng cộng 88 lô gô từ 88 cá nhân, nhóm cá nhân khác nhau. Lô gô được chọn do nhóm Sáng tạo (gồm 3 thành viên) thực hiện. Khi tiến hành trao thưởng, công ty Hoàng Long bối rối không biết phải trao thưởng như thế nào cho các thành viên nhóm Sáng tạo nên yêu cầu các chuyên gia tư vấn pháp lý có những ý kiến tư vấn cho mình.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 572 BLDS năm 2015 thì khi nhiều người cùng cộng tác để thực hiện công việc được hứa thưởng do người hứa thưởng yêu cầu thì mỗi người được nhận một phần của phần thưởng tương ứng với phần đóng góp của mình. Do đó, trong trường hợp này, nếu không xác định được phần đóng góp của các thành viên trong nhóm Sáng tạo thì các thành viên sẽ chia đều phần thưởng 20 triệu từ công ty Hoàng Long.
Tình huống 78. Để thúc đẩy hoạt động du lịch tại Quảng Ninh, công ty cổ phần Tuần Châu quyết định tổ chức cuộc thi mang tên Người đẹp Tuần Châu dành cho phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 25, chưa kết hôn lần nào, không bị kết án, có lối sống lành mạnh, có đạo đức và không bị dư luận lên án về các hành vi trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Sau khi cuộc thi kết thúc, ban tổ chức đã lựa chọn được Hoa khôi là Trịnh Thu Dung, Á khôi 1 là Hoàng Thanh Mai và Á khôi 2 là Lương Hoàng Lan. Đối với những người chiến thắng, ban tổ chức tiến hành trao các phần thưởng bằng hiện vật do các nhà tài trợ công bố còn phần thưởng bằng tiền thì ban tổ chức xin lỗi do chưa nhận được từ một số nhà tài trợ đã cam kết. Do vậy, ban tổ chức sẽ trao thưởng bằng tiền ngay khi nhận được tiền từ nhà tài trợ. Không đồng ý với quan điểm này, những cá nhân dành được chiến thắng yêu cầu các chuyên gia tư vấn pháp lý có những ý kiến nhất định để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Theo quy định tại Điều 573 BLDS năm 2015, công ty cổ phần Tuần Châu đã tổ chức cuộc thi có giải. Do đó, nghĩa vụ của công ty này là phải trao giải cho những cá nhân tham gia và đoạt được giải thưởng.
Khi mức giải thưởng đã được công bố công khai thì bên tổ chức thi có giải có nghĩa vụ trao giải cho người đạt giải như mức đã công bố. Do đó, ban tổ chức không được viện cớ là nhà tài trợ chưa chuyển tiền để trao giải thưởng để trì hoãn việc trao giải này trừ trường hợp trong điều kiện trao giải thưởng quy định rất rõ khi nào mới trao giải thưởng đối với người đạt giải.
Tình huống 79. Ông Giang bắt được con bò lạc đi lẫn vào đàn bò của mình. Sau 2 tháng, con bò này sinh ra con bê con. 4 tháng kể từ ngày bắt được con bò lạc, ông Thiên đến nhà ông Giang xin nhận lại con bò của mình sau khi nghe thông tin nhà ông này có bắt được một con bò lạc. Sauk hi đưa ra các bằng chứng, dấu hiệu để nhận diện con bò của mình, ông Giang đồng ý trả lại con bò với điều kiện ông Thiên phải thanh toán tiền chăm con bò lạc của ông trong 4 tháng và không được đòi con bê. Ông Thiện cho rằng việc giữ lại con bên của ông Giang là không đúng quy định pháp luật nên đã đến và yêu cầu chuyên gia tư vấn pháp lý cho mình lời khuyên.
Theo quy định tại Điều 579 BLDS năm 2015, ông Giang chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật thì ông này có nghĩa vụ hoàn trả cho người sở hữu hoặc người có quyền đối với con bò lạc này.
Việc chiếm hữu của ông Giang là chiếm hữu không có căn cứ và không ngay tình vì ông hoàn toàn nhận thức được mình không phải là chủ sở hữu con bò nên theo quy định tại Khoản 1 Điều 581 BLDS năm 2015, ông Giang có nghĩa vụ phải hoàn trả cả con bê – là hoa lợi của con bò lạc – cho chủ sở hữu là ông Thiên.
Tình huống 80. Anh Thanh có nhặt được một chiếc cặp da nhãn hiệu Lacos dành cho nam giới màu nâu. Trong chiếc nắp cặp có in chữ Minh và có danh thiếp mang tên Hoàng Minh cài trong cặp. Anh Thanh có ý định trả lại anh Minh. Đến ngày hẹn trả, anh Thanh phát hiện ra con trai mình ở nhà lấy bút vẽ bậy lên cặp, lấy dao dọc giấy để khắc tên lên cặp khiến cho chiếc cặp bị rách. Chính vì vậy, anh Thanh quyết định đi mua một chiếc cặp cùng loại với chiếc cặp này để trả anh Minh. Anh Minh rất bối rối vì chiếc cặp này do người bạn thân tặng nên anh không muốn dùng một chiếc cặp cùng loại để thay thế cho chiếc cặp kia. Anh Minh liên lạc với chuyên gia tư vấn pháp lý để có được lời khuyên.
Khi nghe anh Minh trình bày, chuyên gia tư vấn pháp lý chỉ ra quy định tại Khoản 3 Điều 580 BLDS năm 2015 về việc hoàn trả tài sản là vật cùng loại nhưng tài sản bị mất hoặc hư hỏng thì người có nghĩa vụ hoàn trả có quyền dùng vật cùng loại khác để thay thế. Do đó, trong trường hợp này, anh Thanh có quyền mua chiếc cặp cùng loại để hoàn trả cho anh Minh thay cho chiếc cặp đã bị con trai anh Thanh làm hỏng.
Tình huống 81: Nhà ông Hồng có nuôi một đàn 5 con bò cái, trong đó có một con đã có mang và chuẩn bị đẻ. Trong lúc chăn thả, con bò cái đang có mang đã bị lạc sang làng bên cạnh và vào vườn rau nhà ông Sơn. Ông Sơn phát hiện ra con bò cái lạ lạc vào vườn nhà mình lúc nửa đêm, nên đã giữ lại và sáng sớm hôm sau dắt sang làng khác giao bán. Do đang có nhu cầu, nên ông Nam đã mua con bò với giá 20 triệu mà không hề hay biết đó là con bò thất lạc của gia đình ông Hồng. Nuôi trong vòng một tuần thì con bò đẻ ra con bê. Vì con bò cái và con bê con được sinh ra là giống bò tốt nên gia đình ông Nam đã giữa lại với mục đích nuôi làm giống. Nửa tháng sau khi con bò sinh con, gia đình ông Nam đã mang bò và bê đi chăn thả. Trong lúc đang chăn thả con bò thì ông Hồng đi qua và phát hiện ra con bò thất lạc gần 1 tháng của nhà mình nên ngỏ ý chuộc lại con bò và cả con bê, nhưng ông Nam không đồng ý. Tranh chấp phát sinh, nên ông Hồng đã yêu cầu Ủy ban nhân dân xã giải quyết buộc ông Nam phải trả lại bò và bê cho gia đình ông. Gia đình ông Nam có phải trả lại bò và bê cho ông Hồng không?
Trong tình huống này có thể xác định ông Nam là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đối với con bò của ông Hồng. Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật dân sự năm 2015, ông Nam có nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho ông Hồng. Tuy nhiên, tài sản hoàn trả trong trường hợp này chỉ gồm con bò (tài sản gốc) theo quy định tại Điều 580 Bộ luật dân sự năm 2015.
Đối với con bê (hoa lợi) được sinh ra trong thời gian gia đình ông Nam chiếm hữu con bò thì sẽ không phải trả lại cho ông Hồng. Bởi vì, theo quy định tại khoản 2 Điều 581 Bộ luật dân sự năm 2015, ông Nam chỉ phải trả lại những con bê được sinh ra sau khi ông đã biết con bò ông mua của ông Sơn thuộc sở hữu của ông Hồng. Trong khi đó, con bê được sinh ra trong vòng 2 tuần thì ông Nam mới biết việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật.
Tình huống 82: A cho B mượn máy tính xách tay VIO. Trong quá trình sử dụng, B làm vỡ màn hình. Tuy nhiên, không những không trả lại máy tính và bồi thường cho A mà B còn bán chiếc máy tính đó cho C. Do C không biết đó là máy tính của A nên C đã mua chiếc máy tính với giá 10 triệu đồng. Sau khi mua, C đã mang chiếc máy tính đi thay màn hình hết 3 triệu đồng. Sử dụng chiếc máy tính được 5 ngày thì A phát hiện sự việc và đòi lại chiếc máy tính từ C. Xác định nghĩa vụ của A đối với C sau khi C trả lại chiếc máy tính cho A?
Trong tình huống này, C được xác định là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Sau khi mua chiếc máy tính, C đã bỏ ra 3 triệu để thay màn hình máy tính bị vỡ. Do đó, sau khi A đã đòi được chiếc máy tính từ C thì A phải có nghĩa vụ thanh toán cho C số tiền 3 triệu mà C đã phải bỏ ra để thay màn hình máy tính theo quy định tại Điều 583 Bộ luật dân sự năm 2015.
Tình huống 83: Anh Hùng là lái xe của Công ty vận tải X, được Công ty giao nhiệm vụ vận chuyển tài sản từ Hà Nội xuống Hải phòng. Nhận thấy đường đông xe qua lại và nhiều lối rẽ ngang từ khu dân cư nên anh Hùng lái xe rất bình tĩnh, đúng tốc độ và đi đúng phần đường quy định. Khi xe đang lưu thông qua đoạn thành phố Hải Dương, bất ngờ anh Trường điều khiển xe gắn máy tạt ngang qua mặt xe của anh Hùng, khiến cho anh Hùng không kịp phanh và lao vào xe máy do anh Trường Điều khiển. Hậu quả, anh Trường bị gẫy chân và tổn thương phần mềm, xe máy do anh điều khiển bị thiệt hại nặng. Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình anh Trường yêu cầu anh Hùng và Công ty X phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho anh Trường nhưng anh Hùng và Công ty X không đồng ý. Xin hỏi anh Hùng có phải bồi thường thiệt hại cho anh Trường không?
Trong tình huống này, khi xảy ra thiệt hại, anh Hùng đang lái xe đúng tốc độ và đúng phần đường quy định, nên anh không bị coi là có lỗi đối với thiệt hại xảy ra với anh Trường. Lỗi đối với thiệt hại trong tình huống này hoàn toàn thuộc về anh Trường. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015, anh Hùng không phải bồi thường thiệt hại cho anh Trường.
Tình huống 84: Ngày 03/01/2017, do ngủ quên nên anh Cường lái xe chở con đến trường với tốc độ cao. Khi đến đoạn ngã tư Nguyễn Chí Thanh – La Thành, mặc dù đang đèn xanh nhưng do sợ con muộn giờ học nhưng anh Cường vẫn lái xe với tốc độ vượt quá mức quy định. Đúng lúc đó, do sợ muộn giờ làm nên anh Cương đã điều khiển xe mô tô vượt đèn đỏ và cắt ngay mặt xe của anh Cường, nên hai xe đã va chạm vào nhau. Hậu quả, xe anh Cương bị đổ nghiên và vỡ yếm xe, còn anh Cương bị gãy tay phải và rách phần đùi phải. Tổng thiệt hại cả về sức khỏe và tài sản đối với anh Cương là 150 triệu. Xin hãy xác định trách nhiệm của mỗi người trong tình huống trên?
Trong tình huống này, cả anh Cường và anh Cương đều có lỗi đối với thiệt hại xảy ra với anh Cương. Lỗi của anh Cường là phóng nhanh quá tốc độ cho phép, lỗi của anh Cương là vượt đèn đỏ. Do đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015, anh Cương sẽ không được bồi thường phần thiệt hại tương ứng do lỗi của mình gây ra. Tức là cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định mức độ lỗi của mỗi bên để xác định mức thiệt hại mà anh Cường phải bồi thường cho anh Cương và mức thiệt hại mà anh Cương phải tự chịu.
Tình huống 85: Minh và Hoàng đều sinh năm 2010 và cùng làng với nhau nên chơi thân với nhau. Trong một lần chơi đùa cạnh thùng vôi đã tôi và nguội, Minh đã dùng gậy nghịch để hất vôi trêu đùa với Hoàng. Trong lúc nghịch, một cục vôi đã văng vào mắt Hoàng khiến cho mắt Hoàng bị tổn thương nặng, phải điều trị hết 50 triệu đồng. Sau vụ việc đó, bố mẹ của Hoàng yêu cầu bố mẹ của Minh phải bồi thường thiệt hại, nhưng bố mẹ Minh không đồng ý vì cho rằng trẻ con chơi đùa với nhau không may xảy ra thiệt hại chứ không ai có lỗi, hơn nữa thiệt hại là do Minh gây ra chứ không phải do bố mẹ Minh gây ra. Xin hỏi bố mẹ của Minh có phải bồi thường thiệt hại cho Hoàng không?
Trong tình huống này, tại thời điểm gây thiệt hại, Minh chưa đủ 15 tuổi nên Minh không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Do đó, trong tình huống này, bố mẹ của Minh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Hoàng.
Tình huống 86: Gia đình ông Sơn và gia đình ông Nam là hàng xóm của nhau. Do gia đình ông Sơn tiến hành đào móng xây nhà nên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến căn nhà của gia đình ông Nam. Hậu quả là tường nhà của ông Nam bị nứt một vệt dài từ trên mái xuống móng. Nhận thấy sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên gia đình ông Nam phải chuyển ra ở nhà thuê. Chi phí thuê nhà mỗi tháng là 5 triệu đồng. Đồng thời, gia đình ông Nam yêu cầu gia đình ông Sơn phải sửa chữa lại toàn bộ phần tường nhà bị nứt nhưng gia đình ông Sơn từ chối. Do đó, gia đình ông Nam đã phải thuê thợ về sửa nhà hết 50 triệu và trong vòng 02 tháng. Hãy xác định thiệt hại mà gia đình ông Sơn phải bồi thường cho gia đình ông Nam?
Theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, thiệt hại mà gia đình ông Sơn phải bồi thường cho gia đình ông Nam gồm:
– Thiệt hại do nhà bị hư hỏng phải sửa chữa là 50 triệu đồng;
– Thiệt hại do gia đình ông Nam không có chỗ ở nên phải đi thuê nhà trong vòng 2 tháng là 10 triệu đồng.
Tình huống 87: Ngày 20/01/2017, ông A lái xe tải chở vật liệu xây dựng từ cửa hàng về nhà để cho thợ xây dựng tiếp tục hoàn thiện công trình cho ông. Trên đường vận chuyển, một thanh sắt rơi xuống và nằm chắn ngang đường đi. Đúng lúc đó, ông B đi xe máy tới không kịp phanh nên đã lao qua thanh sắt và bị trượt bánh xe ngã xuống đường. Hậu quả là ông B bị gẫy chân phải điều trị mất 3 tháng với tổng số tiền lên tới 250 triệu. Trong thời gian đó, con gái ông B phải xin nghỉ việc không lương để chăm sóc cho ông B. Hãy xác định các loại thiệt hại mà ông A phải bồi thường cho ông B?
Trong tình huống này, ông A đã gây ra thiệt hại về sức khỏe cho ông B. Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015, những thiệt hại mà ông A phải bồi thường bao gồm:
– Chi phí điều trị cho ông B 250 triệu đồng;
– Thu nhập bị mất, hoặc bị giảm sút của ông B (nếu có tính theo mức thực tế);
– Chi phí đi lại, ăn ở và thu nhập bị mất của con gái ông B trong thời gian chăm sóc cho ông B (tính theo mức thực tế một cách hợp lý);
– Một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do ông A và ông B tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng mức tối đa không vượt quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Tình huống 88: Ngày 10/01/2017, A được công ty giao nhiệm vụ chở hàng giao cho đại lý. Trên đường từ địa điểm giao hàng trở về công ty, A đánh xe công ty về qua nhà giải quyết việc gia đình. Trên đường về nhà, xe bất ngờ nổ lốp dẫn đến bị lật bất ngờ, khiến cho bà B đi xe đạp cùng chiều bị xe đè tử vong. Xin hỏi ai phải bồi thường thiệt hại cho thân nhân của bà B và những thiệt hại được bồi thường là gì?
Trong tình huống này, thiệt hại do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (xe bất ngờ nổ lốp). Tuy nhiên, thời điểm xe gây ra thiệt hại, A đang sử dụng xe vào mục đích riêng (sử dụng trái pháp luật). Do đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015, A phải bồi thường thiệt hại cho thân nhân của bà B.
Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015, các loại thiệt hại mà A phải bồi thường bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc mai táng cho bà B;
– Nếu trước khi chết bà B đang phải cấp dưỡng cho ai thì A phải bồi thường cả chi phí cấp dưỡng cho người đó theo quy định chung;
– Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho thân nhân của bà B với mức các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận thì yêu cầu Tòa án xác định nhưng mức tối đa không vượt quá 100 lần mức lương cơ sở do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định.
Tình huống 89: Do mâu thuẫn cá nhân nên A đã chặn đường đánh B và C. Để thực hiện kế hoạch, A đã chuẩn bị một gậy tre dài 1,5 mét với mục đích vụt B và C. Khi B và C đạp xe đến nơi, A đã lao ra vụt mạnh nhưng trúng vào ghi đông xe của B và C đang lưu thông, khiến cho B và C phải nhảy khỏi xe đạp. Ngay sau đó, B và C lao vào giằng gậy của A rồi đẩy A ngã về phía sau. Sau khi bị đẩy ngã, A đã tri hô người dân trong làng chạy ra đánh B và C. B sợ quá nhảy lên xe đạp và yêu cầu C lên xe để cùng đạp xe đi, nhưng C tiếp tục dùng gậy đập mạnh vào đầu A rồi nhảy lên xe của B và cùng đạp xe về nhà. Hậu quả là B bị rách đầu phải khâu và điều trị trong 1 tháng hết 100 triệu đồng. Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm bồi thường của B và C trong tình huống này?
Trong tình huống này, A đã có hành vi tấn công B và C bằng chiếc gậy tre dài 1,5 mét. Việc B và C tước được gậy của A và đẩy A ngã về phía sau để tránh việc A tiếp tục dùng gậy vụt mình được coi là hành vi phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, ngay sau đó, A lại tiếp tục dùng gậy đập vào đầu B nhằm mục đích khiến B không thể gây thiệt hại cho mình được coi là hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Do đó, theo quy định tại Điều 594 Bộ luật dân sự năm 2015, B không phải bồi thường cho A, nhưng C phải bồi thường thiệt hại cho A vì đã gây ra thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng.
Tình huống 90: Trong lúc A đang bơm xăng từ xe bồn vào cây xăng của ông B tại xã X, C là khách đợi mua xăng đã đứng hút thuốc cạnh đó. A đã cảnh báo nguy hiểm và yêu cầu C dập tắt thuốc lá ngay lập tức. Tuy nhiên, thay vì dùng chân dập tắt điếu thuốc lá đang hút, C lại dùng tay búng điếu thuốc ra đường. Do gió to làm cho điếu thuốc đang cháy dỡ bay lệch hướng và rơi trúng vòi đang bơm xăng vào cây xăng. Ngay lập tức, xe bồn bốc cháy ngùn ngụt. Nhận thấy nguy cơ phát nổ cao, khả năng gây thiệt hại lớn vì lúc đó rất đông người và xe chờ bơm xăng, do đó A đã nhanh chóng điều khiển xe bồn lao qua đường và phi thẳng xuống ruộng lúc nhà ông D chuẩn bị thu hoạch. Sau đó xe bồn phát nổ gây thiệt hại lớn cho ruộng lúa nhà ông D, A may mắn đã nhảy xuống xe kịp thời nên không bị thương. Hãy xác định các loại thiệt hại và chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình huống trên?
Trong tình huống này, C là người đã gây ra đám cháy xe bồn (nguy cơ gây ra thiệt hại lớn cho người và tài sản đang đợi mua xăng). Để tránh nguy cơ xảy ra thiệt hại lớn, nên A đã điều khiển xe nhanh chóng lao xuống ruộng lúa nhà ông D, khiến cho ruộng lúa bị thiệt hại nặng. Nên có thể thấy, đây là trường hợp thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết.
Đối với thiệt hại về xe bồn và số xăng xe bị cháy, C phải bồi thường vì có lỗi gây ra vụ cháy, nổ xe bồn. Đối với thiệt hại với ruộng lúa của nhà ông D là do C gây ra nhưng lại thuộc phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết. Do đó, C không phải bồi thường. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với số lúa nhà ông D. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 595, người gây ra tình thế cấp thiết phải bồi thường cho người bị thiệt hại là Công ty xăng dầu và ông D.
Tình huống 91: Năm 1970, Ông Nguyễn Văn L kết hôn với bà Phùng Hải N có 03 người con là Nguyễn Tố A, Nguyễn Hòa B và Nguyễn Hưng T. Năm 2012, ông L qua đời không để lại di chúc. Năm 2013, 03 người con cùng bà N có họp để thỏa thuận phân chia di sản. Thời điểm đó, di sản của ông xác định được là quyền sử dụng 02 căn nhà và 300 triệu đồng tiền mặt. Khi họp bàn những người thừa kế, bà N và anh B, T đều thống nhất quan điểm phân chia di sản theo hướng “02 căn nhà của hai người con trai là B và T, 300 triệu chia cho 04 người (N, B, T và A). A không chấp nhận phương án như vậy vì cho rằng, đã là con thì phải được hưởng như nhau và yêu cầu hai người anh của mình phải thanh toán cho mình phần giá trị tài sản quy đổi thành tiền mà mình được hưởng từ 02 căn nhà. Quan điểm của A là đúng hay sai?
Quan điểm của A trong tình huống trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Pháp luật dân sự quy định, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật[1]. Yếu tố bình đẳng về quyền thừa kế được hiểu là “mọi cá nhân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, già trẻ,… đều có quyền để lại di sản và hưởng di sản như nhau”.
Như vậy, với nguyên tắc trên, A, B, T đều là con của L và N nên cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông L. Cho nên, nếu phân chia di sản thừa kế phải xác định theo từng phần bằng nhau. Ở tình huống này, yêu cầu của A xác định lại phần giá trị tài sản mà mình được hưởng từ 02 căn nhà là phù hợp. Cụ thể, di sản bao gồm 02 căn nhà chia cho 04 người (N, B, T, A).
Tình huống 92: Ngày 10/3/2016, bà H chết. Sau khi mai táng theo phong tục tập quán một thời gian, những người thừa kế của bà yêu cầu chia di sản thừa kế của bà. Hỏi, di sản của bà H có thể được xác định như thế nào?
Trả lời:
Khi một cá nhân chết, di sản thừa kế của người này được xác định bao gồm tài sản riêng của người đó, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Với tình huống trên, di sản của bà Hằng có thể xác định dựa trên nhưng cơ sở giả thiết sau:
Thứ nhất, bà Hằng chưa kết hôn.
Những tài sản bà đang sở hữu riêng sẽ trở thành di sản của bà sau khi bà chết. Ngoài ra, việc bà sở hữu chung với người khác sẽ được xác định theo tỷ lệ phần quyền đóng góp, tạo dựng khối tài sản đó. Ví dụ: bà H có bỏ ra 500 triệu để mua chung chiếc ô tô trị giá 1 tỷ đồng với ông Hảo. Khi bà H chết, di sản sẽ được xác định là ½ giá trị chiếc ô tô tại thời điểm bà Hằng chết.
Thứ hai, bà Hằng đã kết hôn.
Việc xác định di sản của bà Hằng phải dựa vào các trường hợp sau đây:
Một là, thời điểm bà kết hôn, những tài sản có trước hôn nhân bà có đồng ý sáp nhập vào khối tài sản chung của vợ, chồng hay không. Nếu bà đồng ý hoặc không có căn cứ chứng minh đó là tài sản riêng của bà trước thời kỳ hôn nhân, tài sản đó sẽ là chung của vợ chồng bà[2]. Còn ngược lại, đó sẽ là tài sản riêng và khi bà chết sẽ là di sản của bà.
Hai là, sau khi kết hôn có hai căn cứ để xác định: (i) toàn bộ thu nhập hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân của vợ, chồng bà sẽ là tài sản thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng. Khi bà Hằng chết sẽ chia thành hai phần. (ii) trong thời kỳ hôn nhân, bà có được ai đó tặng cho riêng, để lại thừa kế hay không? Nếu có, phần tài sản đó cũng được xác định là riêng của bà.
Ba là, trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng bà có góp vốn tạo lập khối tài sản thuộc sở hữu chung với ai hay không? Nếu có, phần tài sản đó của vợ, chồng bà sẽ được xác định theo tỷ lệ đóng góp và bà có được ½ trong số đó.
Tình huống 93. Ông Hàn Văn Thực chết ngày 10/7/2017 có để lại một căn nhà tọa lạc trên diện tích đất 300m2 tại Thành Phố VY, tỉnh VP. Đồng thời, ông có nợ Ngân hàng X số tiền là 3 tỷ đồng. Hỏi, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của những người thừa kế của ông là từ thời điểm nào?(Biết rằng ông Thực chết không để lại di chúc và ông có vợ cùng 03 người con đều đã thành niên và có khả năng lao động; căn nhà của ông được định giá là 8 tỷ đồng).
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Như vậy, quyền thừa kế di sản và nghĩa vụ tài sản do ông Thực để lại (trả nợ 03 tỷ đồng cho Ngân hàng) cho vợ và 03 người con của ông Thực sẽ phát sinh kể từ thời điểm 10/7/2017.
Theo đó, những người thừa kế (vợ và các con của ông Thực) có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế từ thời điểm 10/7/2017. Về nguyên tắc, thời điểm này cũng sẽ là thời điểm những người thừa kế sẽ xác lập quyền sở hữu tài sản của mình với di sản thừa kế. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, thời điểm xác lập quyền sở hữu sẽ được xác định dựa vào thời điểm khác. Ví dụ: Di sản là nhà ở, quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm xác lập quyền sở hữu sẽ là thời điểm đăng ký sang tên. Hoặc di sản bị tranh chấp thì thời điểm xác lập quyền sở hữu là thời điểm bản án của Tòa án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật… Và cũng tại thời điểm này, những chủ thể có quyền và lợi ích liên quan (Ngân hàng) có quyền yêu cầu những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người để lại di sản.
Tình huống 94: Năm 2017, ông Hà Hữu Th chết có để lại bản di chúc với nội dung như sau: Dành 500 triệu cho người con trai út (anh Hà Hữu B); 300 triệu cho người con thứ (chị Hà Thị H), người con cả (Hà Thị K) không có tên trong phần di chúc chỉ định hưởng nhưng có tên trong phần chỉ định nghĩa vụ “phần nghĩa vụ 1 tỷ do vay nợ Ngân hàng sẽ do con tôi là K sẽ chi trả”. Khi ông chết, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng những người thừa kế xác định được ông có 1,6 tỷ đồng, vợ ông chết trước ông. Hỏi chị K có phải trả toàn bộ số nợ 1 tỷ cho Ngân hàng hay không? Tại sao?
Pháp luật quy định người thừa kế được quyền hưởng di sản thừa kế đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Như vậy, người con cả Hà Thị K sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà ông Th để lại. Tuy nhiên, quy định về việc thực hiện nghĩa vụ này lại xác định răng, những người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản họ được hưởng, trừ trường hợp họ tự nguyện thực hiện. Như vậy, để giải quyết triệt để tình huống này, chúng ta cần xác định phần di sản mà mỗi người hưởng, theo đó:
- Di sản ông Th để lại: 1,6 tỷ đồng;
- Theo di chúc: B = 500 triệu đồng; H = 300 triệu đồng.
- Di sản còn lại là: 600 triệu đồng.
- Theo pháp luật: B = H = K = 600/3 = 200 triệu.
- Kết luận: B = 700 triệu đồng; H = 500 triệu đồng; K = 200 triệu đồng.
Với kết quả trên và quy định của pháp luật[3], chúng ta phải đặt ra 02 giả thiết như sau:
- Giả thiết thứ nhất, tuy phần di sản mà K được hưởng chỉ là 200 triệu nhưng K tự nguyện trả toàn bộ số nợ 1 tỷ cho Ngân hàng. Việc tự nguyện này sẽ làm phát sinh nghĩa vụ của K với ngân hàng.
- Giả thiết thứ hai, K không chấp nhận việc trả toàn bộ số nợ cho Ngân hàng. Theo quy định về nghĩa vụ của người thừa kế, dư nợ từ Ngân hàng được tính như sau: 200 triệu (K được nhận); tỉ lệ 7:5 cho 800 triệu còn lại được tính trên kỷ phần của B:H. Cụ thể, K không được hưởng; B chỉ được hưởng 233,33 triệu, H chỉ được hưởng 166,67 triệu.
Tình huống 95. Bà Nguyễn Thị X có chồng là ông Hoàng Y và 03 người con là Hoàng L, Hoàng M, Hoàng T (đều đã thành niên có khả năng lao động). Đầu năm 2017, bà X chết do tai nạn giao thông. Sau khi mai táng, ông Y là chồng vẫn quản lý tài sản và sử dụng tài sản chung của hai ông bà đã có từ trước. Cuối năm 2017, ông có đưa bà Phan H về nhà để sinh sống như vợ, chồng cùng ông. Ông và bà H vẫn quản lý và sử dụng tài sản chung đó, thậm chí còn thu hoa lợi, lợi tức từ nhiều tài sản chung của ông Y và bà X (đã có trong thời kỳ hôn nhân). Những người con có thỏa thuận với bố để phân chia quyền quản lý di sản nhưng ông Y không đồng ý. Ông cho rằng, sau khi vợ ông là bà X chết, ông sẽ là người có quyền quản lý cũng như hưởng toàn bộ di sản thừa kế của bà X. Hỏi, quan điểm của ông Y về việc quản lý di sản thừa kế của bà X có đúng hay không?
Với tình huống trên, quan điểm của ông Y không hoàn toàn chính xác vì các lý do sau:
- Nếu bà X có để lại di chúc, trong di chúc có thể hiện rõ ai là người quản lý di sản, người đó sẽ là người có quyền quản lý di sản của bà X. Như vậy, ở trường hợp này, ông Y chỉ có thể trở thành người quản lý khi được chỉ định trong di chúc.
- Nếu bà X chết không để lại di chúc hoặc nội dung của di chúc không thể hiện rõ ai được chỉ định quản lý di sản thì những người thừa kế cử ra. Như vậy, ông Y chỉ có thể trở thành người quản lý di sản khi được các con của ông đồng ý.
- Nếu bà X chết không để lại di chúc hoặc nội dung của di chúc không thể hiện rõ ai được chỉ định quản lý di sản mà những người thừa kế chưa thỏa thuận để cử ra ai là người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản. Như vậy, ông Y có thể là người quản lý di sản nếu rơi vào trường hợp này.
- Không rơi vào các trường hợp trên, Tòa án sẽ chỉ định người quản lý di sản. Ông Y cũng có thể trở thành người quản lý di sản nếu được Tòa án chỉ định.
Kết luận: Ông Y chỉ có thể trở thành người quản lý di sản nếu rơi vào một trong các trường hợp nêu trên.
Tình huống 96. Vẫn những dữ kiện nêu ở tình huống (95) nói trên, ông Y và người phụ nữ (Phan H) chung sống với ông như vợ, chồng vẫn sử dụng công nhiên, khai thác công dụng hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản là di sản mà bà X (một phần) để lại. Các con của ông đã nhiều lần yêu cầu ông và cô H dừng việc khai thác để tránh ảnh hưởng tới giá trị của các loại tài sản đó nhưng ông Y và H vẫn không chấp thuận. Hỏi, nếu vẫn dừng lại ở vấn đề quản lý di sản thừa kế và ông Y có thể trở thành người thừa kế, ông sẽ phải thực hiện các loại nghĩa vụ của mình như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, nếu ông Y trở thành người quản lý di sản (thuộc vào các trường hợp đã phân tích ở trên), ông Y phải có các nghĩa vụ sau:
– Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
– Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
– Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
– Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
Như vậy, với những nghĩa vụ kể trên, ông Y phải thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho các đồng thừa kế khác. Tuy nhiên, cũng với những quy định trên gián tiếp khẳng định, ông Y có quyền khai thác công dụng của tài sản thậm chí hưởng hoa lợi, lợi tức từ di sản nếu không làm ảnh hưởng tới giá trị của tài sản (không có thiệt hại).
Tình huống 97. Với tình huống trên (95), giả sử ông Y là người được bà X chỉ định trong di chúc là người quản lý toàn bộ di sản thừa kế của bà. Đồng thời, sau khi bà chết, Tòa án xác định vụ tai nạn giao thông gây ra cái chết của bà và của anh Phạm G hoàn toàn do lỗi của bà. Bà phải bồi thường thiệt hại 200 triệu đồng cho người thân của anh Phạm G. Hỏi, người thân của anh Phạm G có quyền yêu cầu ông Y bồi thường thiệt hại hay không? Ông Y còn có quyền gì trong khoảng thời gian quản lý di sản hay không?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, ông Y khi đã trở thành người quản lý di sản thừa kế của bà X (được bà chỉ định trong di chúc) sẽ có các quyền năng sau đây:
Thứ nhất, ông Y có quyền đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế. Theo đó, ông Y có quyền đại diện cho những người thừa kế của bà X để trích 200 triệu đồng bồi thường thiệt hại cho người thân của anh Phạm G.
Thứ hai, ngoài quyền năng trên, ông Y còn được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế khác của bà về việc trông coi, bảo quản di sản thừa kế trong thời gian quản lý di sản.
Thứ ba, ông Y có thể được thanh toán chi phí bảo quản di sản (nếu có).
Tình huống 98. Nguyễn Hoàng là con trai duy nhất của ông Nguyễn Đế, đã có vợ là Phan Phương và con là Nguyễn Chí. Ngày 10/2/2017, ông Nguyễn Đế chết có để lại di chúc cho anh Nguyễn Hoàng được hưởng toàn bộ di sản thừa kế. Tuy nhiên, trước thời điểm này, do làm ăn thua lỗ nên anh Nguyễn Hoàng đang bị công ty ATZ khởi kiện về hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế… Theo đơn khởi kiện này, số tiền anh Hoàng phải trả cho công ty này rất lớn (bao gồm cả tài sản anh có và di sản thừa kế anh được nhận). Tuy nhiên, sau khi bố anh chết, anh đã làm thủ tục để từ chối nhận di sản thừa kế của ông. Nhận thấy có hiện tượng tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ, công ty ATZ khởi kiện yêu cầu bác bỏ quyền từ chối quyền hưởng di sản thừa kế của anh Hoàng. Hỏi, yêu cầu của công ty ATZ có căn cứ pháp lý hay không?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, anh Nguyễn Hoàng hoàn toàn có quyền từ chối nhận di sản từ cha mình là ông Nguyễn Đế. Tuy nhiên, việc từ chối hưởng di sản thừa kế phải đảm bảo các điều kiện sau:
Thứ nhất, việc từ chối không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Như vậy, nếu công ty ATZ chứng minh được, việc anh Nguyễn Hoàng từ chối quyền hưởng di sản thừa kế đang nhằm trốn tránh nghĩa vụ với công ty mình thì yêu cầu này của công ty là hoàn toàn là phù hợp.
Thứ hai, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
Thứ ba, việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Dựa vào các điều kiện trên, công ty ATZ hoàn toàn có thể bác yêu cầu của anh Nguyễn Hoàng về việc từ chối nhận di sản thừa kế nếu nhận thấy việc từ chối vi phạm một trong các điều kiện nói trên.
Tình huống 99. Ông Đào Văn Ao hỏi bố tôi bị bệnh nhũn não năm 2006. Năm 2008, sức khỏe của ông hồi phục, ông có lập bản di chúc định đoạt toàn bộ tài sản cho tôi. Năm 2017, ông chết, các con của ông trong đó có tôi tranh chấp nhau về nội dung bản di chúc mà ông đã lập. Hỏi, bản di chúc của bố tôi lập có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã có hợp pháp không?
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền lập di chúc nhưng phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, người đó đã thành niên.
Thứ hai, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
Với hai điều kiện trên, xét trong tình huống thì di chúc mà bố ông Ao lập sẽ hợp pháp khi thỏa mãn quy định về yếu tố mình mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Do đó, để chứng minh bản di chúc là hợp pháp, ông Ao sẽ phải chứng minh được căn bệnh nhũn não của bố mình đã được khắc phục vào thời điểm năm 2008. Căn bệnh này không ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, điều khiển hành vi hay nói cách khác là sự minh mẫn và sáng suốt của ông ấy. Đồng thời, các thủ tục chứng thực bản di chúc tại UBND cấp xã cũng được thực hiện đúng quy định.
Tình huống 100. Ngày 20/3/2017, khi đang tham gia giao thông trên đường, anh Hảo Sĩ Hán có va quyệt với một xe contenner bị thương rất nặng và mất nhiều máu. Trên đường đưa anh đi cấp cứu trên xe cứu thương, anh có trăn trối lại trước 01 bác sĩ và 01 điều dưỡng viên rằng “anh có di nguyện để toàn bộ số tiền tiết kiệm anh có trong ngân hàng X cho vợ anh là bà Mỹ Thị Nhân, anh để lại ngôi nhà 05 tầng trên diện tích đất 100m2 tại Phường X, Quận Y, Tỉnh N cho chị Kiều Nương (người được cho là nhân tình của anh Hán). Hỏi, di nguyện của anh Hảo Sĩ Hán muốn hợp pháp phải thỏa mãn điều kiện nào?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, một người khi tính mạng bị đe dọa không thể lập di chúc bằng văn bản có quyền lập di chúc miệng. Như vậy, di nguyện của anh Hán trong tình huống trên hoàn toàn có thể đưa vào di chúc và đảm bảo thực hiện ở dạng di chúc miệng, nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, người di chúc miệng (anh Hán) thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Hai người làm chứng phải thỏa mãn điều kiện: (i) không phải là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; (ii) không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; (iii) không phải là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Thứ hai, ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Thứ ba, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Như vậy, nếu di chúc của anh Hán thỏa mãn các quy định trên sẽ hợp pháp và phát sinh hiệu lực sau khi anh chết.
[1]Điều 610 BLDS năm 2015.
[2]Điều 33 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014.
[3]Điều 615 BLDS năm 2015.